Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M'gar: Thú y cơ sở bám nắm địa bàn để chống dịch

08:53, 09/05/2019

Đến thời điểm này, huyện Cư M’gar vẫn là vùng an toàn với dịch bệnh trên đàn heo. Có được kết quả trên, bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền và người dân địa phương thì còn có sự góp sức không nhỏ của những người làm công tác thú y cơ sở.

Thời gian gần đây, khi dịch tả heo châu Phi và dịch lở mồm long móng xuất hiện, những cán bộ làm công tác thú y cơ sở ở huyện Cư M’gar lại càng tất bật. Từng chứng kiến cảnh dịch bệnh trên vật nuôi làm tiêu tán cả gia sản của người nông dân, chị Cù Thị Liên, cán bộ thú y thị trấn Ea Pốk càng quyết tâm tuyên truyền, có những việc làm thiết thực giúp người chăn nuôi hạn chế tối đa dịch bệnh.

Đặc biệt, kể từ khi tỉnh có dịch lở mồm long móng, không quản nắng mưa, sớm tối, cán bộ thú y cơ sở như chị phải tăng cường bám sát địa bàn, tư vấn cho hộ chăn nuôi về cách phòng ngừa dịch bệnh và tiến hành tiêm phòng ở những vùng trọng điểm. Chị Liên cho hay, phải theo dõi sát sao để phát hiện sớm, báo cáo kịp thời với chính quyền, cơ quan chuyên môn để từ đó có biện pháp khoanh vùng, khống chế không cho lây lan ra diện rộng. Nếu không cẩn thận, chỉ từ một ổ dịch nhỏ rất có thể xảy ra ổ dịch lớn.

 Chị Cù Thị Liên đi tiêu độc  khử trùng chống dịch trên đàn  gia súc,  gia cầm cho người dân.
Chị Cù Thị Liên đi tiêu độc khử trùng chống dịch trên đàn gia súc, gia cầm cho người dân.

Gần 20 năm nay, với đồng lương ít ỏi, phụ cấp chẳng là bao nhưng chị Liên luôn bám sát cơ sở, đến tận thôn, buôn, xóm và đi sớm về khuya như thế. Chị đi “gõ cửa” từng hộ dân, giám sát chặt chẽ và ngăn ngừa kịp thời dịch bệnh. Từ khi nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía chị, công tác tiêm phòng vắc xin định kỳ, tạo miễn dịch trên đàn vật nuôi đã được các hộ chăn nuôi trên địa bàn chủ động thực hiện ngay từ đầu. Nhờ đó, tỷ lệ tiêm phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi trên địa bàn ngày càng cao, đạt trên 80%. Chị Liên tâm sự, nghề thú y là nghề vất vả, độc hại vì thường xuyên tiếp xúc với chất thải động vật, lại tiềm ẩn nhiều rủi ro nghề nghiệp, nguy cơ mắc các bệnh lây truyền giữa người và vật nuôi… Chuyện bị chó cắn hay bò đá trúng trong khi đang tiêm ngừa cho chúng, rồi lại phải tự bỏ tiền túi lo liệu cho bản thân trở thành chuyện thường tình của chị.

Cũng giống như chị Liên, hơn 15 năm hoạt động trong nghề, chị H'Jiêng Niê (cán bộ thú y xã Ea Tul) đã tích cực đưa hoạt động chuyên môn ở địa phương có những bước chuyển đáng ghi nhận. Theo chị H'Jiêng, thói quen chăn nuôi theo kiểu thả rông truyền thống và không tiêm phòng dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm của đồng bào nơi chị cư trú đã từng gây nhiều thiệt hại nặng nề khi có dịch xảy ra. Do đó, công tác vệ sinh, tẩy uế môi trường, phun tiêu độc khử trùng là giải pháp được chị luôn chú trọng hướng dẫn các hộ chăn nuôi để chủ động ngăn chặn dịch bệnh.

Thời gian này, công việc của chị cũng vất vả hơn nhiều khi phải đến từng hộ dân, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các quy trình chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, trực tiếp tiêm phòng, tổ chức tổng tẩy uế môi trường, các quy trình về vệ sinh thú y... Chị H'Jiêng cho hay, mấy ngày nay, dù trời nắng oi bức, chị vẫn phải đi suốt để hỗ trợ các hộ chăn nuôi, nhiều khi không kịp bữa cơm trưa, tối thì 7 - 8 giờ mới về kịp đến nhà.

Hiện nay, mạng lưới cán bộ thú y cơ sở trên địa bàn huyện Cư M’gar có 24 người, bình quân mỗi xã có từ 1 - 2 người. Như “cánh tay nối dài”, nhờ có sự “cầm tay chỉ việc” của các anh, chị đã giúp người dân hiểu rõ, hiểu đúng và thực hiện nghiêm ngặt các quy trình trong chăn nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế, giúp họ yên tân khi không may đàn gia súc gia cầm mắc bệnh. Theo ông Nguyễn Quang Đức, Trạm trưởng Trạm chăn nuôi và thú y huyện Cư M’gar, nhờ hoạt động tích cực mà mạng lưới thú y cơ sở đã giúp cho công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm ở địa phương được tổ chức thực hiện đồng bộ sát với yêu cầu thực tiễn.

Tuy nhiên, dù là lực lượng nòng cốt trong công tác chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh nhưng chế độ cho cán bộ thú y cấp cơ sở còn khá thấp. Theo quy định, cán bộ thú y cơ sở phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ từ tham mưu cho chính quyền địa phương trong công tác chăn nuôi, kiểm soát vận chuyển động vật, giết mổ, đến trực tiếp tiêm phòng dịch, kiểm tra vệ sinh thú y... Lượng công việc nhiều, trách nhiệm cao, nhưng chính sách đãi ngộ đối với nhân viên thú y cấp xã quá ít ỏi. Hiện nay, mỗi xã chỉ được hưởng một định suất phụ cấp thú y cơ sở theo định mức là 1.0 hệ số lương cơ bản, tương ứng với số tiền 1.390.000 đồng/định suất/tháng. Xã có từ 2 cán bộ thú y trở lên cũng chỉ được hưởng một định suất phụ cấp. Mức phụ cấp này chỉ đủ tiền xăng xe đi lại kiểm tra, hướng dẫn tại cơ sở. Vì vậy, rất cần có một cơ chế, chính sách hỗ trợ thỏa đáng, phù hợp để những người làm công tác thú y cơ sở yên tâm bám trụ với nghề.

Trâm Anh


Ý kiến bạn đọc