Multimedia Đọc Báo in

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị

06:39, 10/05/2023

* Thượng tá Mai Văn Khuê, Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự TP. Buôn Ma Thuột:

Thống nhất nhận thức, đề cao trách nhiệm

 

Thống nhất nhận thức, đề cao trách nhiệm vừa là yêu cầu, vừa là trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, bởi giáo dục chính trị là một nội dung huấn luyện của đơn vị với đầy đủ các yếu tố cấu thành (nội dung, hình thức, phương pháp, phương tiện, người dạy, người học...), đặt dưới sự quản lý điều hành của đội ngũ cán bộ chỉ huy các cấp.

Thống nhất nhận thức, đề cao trách nhiệm cần được thực hiện trong suốt quá trình và đến từng cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị (kể cả cán bộ quân sự, chuyên môn, nghiệp vụ). Trong đó, chính ủy, chính trị viên, đội ngũ cán bộ chính trị phải là ngọn cờ, trung tâm phối hợp, hiệp đồng, tạo động lực cho sự đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng giáo dục chính trị. Để thực hiện tốt các nội dung này, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó trong đơn vị, xây dựng môi trường văn hóa quân sự lành mạnh và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ.

* Trung úy Lê Văn Long, Chính trị viên Đại đội Tăng - Thiết giáp (Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh):

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy

 

Đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị có vị trí, vai trò rất quan trọng trong nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị. Vì vậy, bản thân người dạy cần phải không ngừng nghiên cứu, học tập, nâng cao trình độ, kiến thức, có phương pháp giảng dạy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Quá trình lên lớp, cán bộ giảng dạy chính trị cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức tổ chức và phương pháp giáo dục cả truyền thống và hiện đại, trong đó chú trọng đặt câu hỏi, nêu vấn đề, khơi gợi ý kiến phát biểu của cán bộ, chiến sĩ, kết luận và định hướng nhận thức, hành động, liên hệ thực tiễn cho bộ đội. Cán bộ giảng dạy cần kết hợp chặt chẽ giữa việc tổ chức lên lớp với việc nêu vấn đề gợi mở, định hướng các nội dung để người học tự nghiên cứu, học tập, giúp người học nắm chắc nội dung cơ bản, vận dụng sát thực tiễn trên từng cương vị, chức trách được giao. Bên cạnh đó, cần phát huy hiệu quả các thiết bị công nghệ thông tin cho công tác giảng dạy.

* Chính trị viên phó Ban Chỉ huy Quân sự xã Ea Bung (huyện Ea Súp) Trần Xuân Luận:

Bố trí thời điểm học tập giáo dục chính trị cho lực lượng dân quân tự vệ phù hợp

 

Trong quá trình giáo dục cho lực lượng dân quân tự vệ cần bảo đảm cập nhật thông tin thời sự; đi sâu giáo dục, quán triệt vị trí, vai trò, trách nhiệm của lực lượng trong tình hình mới; âm mưu, thủ đoạn các thế lực thù địch; nhiệm vụ quân sự quốc phòng của địa phương, những nội dung cơ bản Luật Dân quân tự vệ... Mỗi nội dung cần lồng ghép dẫn chứng, minh họa cụ thể.

Là lực lượng không thoát ly sản xuất, công tác nên trước mỗi mùa huấn luyện, học tập chính trị, các đơn vị cần chủ động xây dựng kế hoạch sớm, bố trí học tập vào thời điểm phù hợp (tránh vào các thời điểm như vào vụ thu hoạch, xuống giống; vào thời gian sản xuất hàng hóa chính của công ty...) để lực lượng dân quân tự vệ các cơ quan, đơn vị, địa phương có thể chủ động trong công việc và bảo đảm quân số tham gia học tập cao nhất.

* Chiến sĩ Trương Thái Hoàn (Đại đội 5, Tiểu đoàn 303):

Tăng cường hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, tham quan di tích lịch sử

 

Chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ quân sự có tuổi đời còn rất trẻ, đa phần năng động, thích khám phá. Vì vậy, trong tất cả các hình thức giáo dục chính trị, hoạt động trải nghiệm, tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, tham quan di tích lịch sử mang lại sự thích thú, hào hứng và tác động sâu sắc đến chiến sĩ.

Thực tế cũng cho thấy, các chương trình văn hóa, văn nghệ không chỉ giúp đời sống tinh thần của bộ đội được nâng lên, mà qua đó còn có tác dụng lớn trong việc giúp chiến sĩ hiểu hơn về truyền thống vẻ vang của dân tộc, của Đảng, của quân và dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Càng có nhiều chương trình được đầu tư chỉn chu, ý nghĩa, thì chắc chắn sẽ càng khơi dậy lòng tự hào, ý thức, nhận thức, bản lĩnh trong mỗi người, giúp chiến sĩ khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ.

Trên địa bàn tỉnh có nhiều di tích lịch sử như: Bảo tàng tỉnh, Nhà đày Buôn Ma Thuột, Đồn điền CADA… Đây là điều kiện thuận lợi cho việc duy trì các hoạt động tham quan, về nguồn, góp phần nâng cao hiệu quả trong giáo dục chính trị, lịch sử truyền thống.

Song Quỳnh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.