Multimedia Đọc Báo in

Vững phên giậu, ấm biên cương

08:12, 22/12/2022

Chiều cuối năm. Giữa nhà rông buôn Trí, xã Krông Na (huyện Buôn Đôn), già Y Ka Byă nắm chặt tay Chính trị viên Đồn Biên phòng Bo Heng, Thiếu tá Nguyễn Văn Kiều, ôn tồn nói: “Nhà mình nuôi được mấy con heo, để dành được ghè rượu ngon, nhất định Tết này bộ đội phải về chung vui với buôn mình đấy !”.

Gần dân, sát dân, lo cho dân

Đồn Biên phòng Bo Heng đứng chân trên dãy núi Bo Heng. Ngọn núi hiểu một cách nôm na theo tiếng người Lào ở Buôn Đôn là “không thể sống được”. Sự khắc nghiệt ấy được thể hiện rất rõ khi từ xưa đến nay không một ai trong vùng đặt chân đến đây để khai phá đất đai trồng trọt. Để hoàn thành nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc đường biên giới, cán bộ, chiến sĩ nơi đây đã vượt lên gian khó với tình yêu biên giới thiêng liêng.

Thiếu tá Trần Văn Hưng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bo Heng tâm sự: “Đồn được giao phụ trách, bảo vệ đường biên giới quốc gia có chiều dài 13,908 km tiếp giáp với xã Sê Rê Huy, huyện Conhéc, tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia. Với phương châm xuyên suốt: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, ngoài nhiệm vụ giữ gìn an ninh biên giới, cán bộ, chiến sĩ còn có nhiệm vụ chính trị rất cơ bản là chăm lo, giúp nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số”.

Lãnh đạo Đồn Biên phòng Bo Heng thăm, tặng quà gia đình khó khăn ở khu vực biên giới. Ảnh: Quỳnh Anh

Buôn Trí có 11 dân tộc anh em cùng sinh sống với 350 hộ, 1.241 khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Êđê, M’nông. Đời sống của bà con tuy đã có tiến bộ song vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhiều tập tục lạc hậu vẫn tồn tại, ý thức tự vươn lên dựng xây cuộc sống mới còn hạn chế, phương thức canh tác sản xuất còn xưa cũ, không hiệu quả... là những vấn đề được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bo Heng đưa vào chương trình trọng tâm, xuyên suốt giúp dân trong nhiều năm qua.

Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Thượng úy Y Karavơng Niê Kdăm dẫn chúng tôi đến thăm cháu H’Khen Ly Byă, dân tộc Êđê. Đây là một trong hai trường hợp được Đồn hỗ trợ, giúp đỡ theo Chương trình “Nâng bước em tới trường”. Bố qua đời vì bệnh hiểm nghèo, H’Khen Ly Byă ở với mẹ. Nhà cháu rất nghèo nên bộ đội biên phòng nhận hỗ trợ, giúp đỡ cháu học hành, thêm vững bước trong cuộc sống. Hôm chúng tôi đến thăm, mẹ của H’Khen Ly Byă cứ ôm riết lấy cháu rơm rớm nước mắt: “Gia đình biết ơn bộ đội nhiều lắm...”.

Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, Đồn Biên phòng Bo Heng còn tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, tích cực tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở xã Krông Na. Ông Y Thơng Kđoh, già làng buôn Trí tâm sự: “Được cán bộ, chiến sĩ Đồn giúp đỡ cải tạo vườn tạp, chăn nuôi gia súc, tăng gia sản xuất… cuộc sống của bà con đã khá hơn trước rất nhiều”.

Theo Đồn trưởng Trần Văn Hưng, thấu hiểu những vất vả, thiếu thốn của bà con, cán bộ, chiến sĩ thường xuyên trực tại địa bàn, đến từng hộ dân để vận động, hướng dẫn, giúp đỡ bà con mọi việc. Từ dựng nhà, sửa nhà, thu hoạch lúa, sắn, cải tạo vườn tạp đến trồng rau, hỗ trợ chăn nuôi bò, gà, làm tường rào, dọn vệ sinh môi trường, xây dựng nhà Đại đoàn kết, nhà Mái ấm biên cương… đều được cán bộ, chiến sĩ tận tình, giúp dân chu đáo, hiệu quả. Nhiều dấu ấn, công trình do bàn tay người lính biên phòng thực hiện càng tô đẹp thêm hình ảnh bộ đội Cụ Hồ.

Xây chắc “thế trận lòng dân”

Chính trị viên Đồn Biên phòng Bo Heng Nguyễn Văn Kiều tâm sự: “Người dân chính là thành lũy vững chắc nhất. Vì vậy, cán bộ, chiến sĩ phải phát huy sức mạnh nhân dân, xây dựng cho được “thế trận lòng dân” vững chắc, phải sát dân, gần dân và phải có thật nhiều việc làm hiệu quả giúp dân”. Đồn duy trì các đội công tác vận động quần chúng với phương châm “Ba bám, bốn cùng” là: “Bám dân, bám địa bàn, bám chủ trương; cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc thiểu số”. Có những hộ gia đình xa đồn hàng chục cây số, anh em đi xe máy băng rừng, lội suối nhưng tuần nào cũng vậy, các tổ công tác không khi nào vắng mặt. Kết quả đã làm thay đổi nhận thức của người dân trong lao động, sản xuất, chấp hành quy chế biên giới, luôn tin tưởng và cùng làm theo bộ đội.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bo Heng tuần tra, bảo vệ cột mốc biên giới. Ảnh: Ngọc Lân

Đại tá Đào Viết Hùng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, trong suốt chặng đường hơn 40 năm xây dựng và phát triển, Đồn Biên phòng Bo Heng luôn hỗ trợ bà con phát triển kinh tế - xã hội, củng cố thế trận biên phòng toàn dân. Câu chuyện người lính biên phòng Bo Heng bám trụ trên vùng đất khó, khiến cho “đá phải nở hoa” như ngày hôm nay, bên cạnh sự nỗ lực vượt qua chính mình, là tình cảm, trách nhiệm của người hậu phương dành cho biên giới. Nói đến điều này là nói đến sự quan tâm chăm lo sâu sắc của lãnh đạo chính quyền tỉnh khi phân công cho các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh mỗi địa phương nhận kết nghĩa đỡ đầu một đồn biên phòng.

Đêm cuối năm. Trong men rượu cần nồng ấm, Trưởng buôn Trí Nguyễn Thị Lan vít cần rượu thật sâu mời chúng tôi cùng uống. Xong, bà nắm chặt lấy tay Chính trị viên Kiều, Đồn trưởng Hưng, nói: “Cán bộ à, người dân buôn Trí với bộ đội như anh em một nhà thôi, “cái bụng” của bộ đội tốt lắm, luôn mang lại niềm vui cho dân làng mình đó”.

Nguyễn Văn Chiến


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.