Thúc đẩy chuyển đổi số liên thông, đồng bộ đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy
Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh vừa ban hành Kế hoạch thúc đẩy chuyển đổi số liên thông, đồng bộ, nhanh, hiệu quả đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy tỉnh Đắk Lắk.
Theo đó, Kế hoạch đặt mục tiêu triển khai chuyển đổi số một cách nhanh chóng, kịp thời, toàn diện, lấy việc bảo đảm tính liên thông, đồng bộ trong toàn hệ thống chính trị làm mục tiêu xuyên suốt và cao nhất; đồng thời, đáp ứng yêu cầu cấp bách của việc cải cách tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính; bảo đảm bộ máy các cấp sau cải cách vận hành thông suốt, liên thông, hiệu quả, phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp, tạo nền tảng vững chắc cho quản trị quốc gia hiện đại và phát triển bền vững.
Kế hoạch chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn cấp bách tập trung tháo gỡ ngay các điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng, dữ liệu để bảo đảm hệ thống chính quyền địa phương hai cấp sau sáp nhập vận hành thông suốt, liên tục, hiệu quả từ ngày 1/7/2025; không để xảy ra tình trạng gián đoạn, ách tắc trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của người dân và doanh nghiệp; giai đoạn đột phá (đến ngày 31/12/2025) khắc phục cơ bản những tồn tại, yếu kém cố hữu về chuyển đổi số trong toàn hệ thống chính trị; hoàn thiện các nền tảng dùng chung, chuẩn hoá và kết nối các cơ sở dữ liệu (CSDL) quan trọng, nâng cao thực chất chất lượng dịch vụ công trực tuyến, tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
![]() |
Khu vực điều hành, hoạt động công nghệ thông tin của VNPT Đắk Lắk. Ảnh minh họa. |
Cụ thể, từ 1/7 đến 31/12/2025, thực hiện việc cung cấp tập trung các Dịch vụ công (DVC) trực tuyến trên cổng DVC quốc gia, đối với toàn bộ TTHC đủ điều kiện cung cấp DVC trực tuyến toàn trình, một phần theo hướng thống nhất, đồng bộ trên toàn quốc, từng bước thay thế các DVC trực tuyến riêng lẻ tại cấp tỉnh; hoàn thành xây dựng, làm sạch và đưa vào khai thác, bảo đảm “đúng - đủ -sạch - sống - thống nhất - dùng chung" đối với 12 cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành trọng yếu; 100% hồ sơ, tài liệu công việc phát sinh từ ngày 1/7/2025 được tạo lập và xử lý trên môi trường điện tử, hoàn thành số hoá ít nhất 30% tài liệu lưu trữ lịch sử có giá trị cao, tạo tiền đề hoàn thành toàn bộ công tác số hoá tải liệu lưu trữ trong năm 2026.
Kế hoạch cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và phân công cụ thể đối với các cơ quan, tổ chức trong toàn hệ thống chính trị để bảo đảm đủ điều kiện vận hành mô hình tổ chức mới, hệ thống điều hành, nền tảng số, đồng bộ từ ngày 1/7/2025.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc