Triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 281-KH/TU triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu của Kế hoạch nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa của chuyển đổi số (CĐS), công tác phổ cập kỹ năng số.
Phổ cập tri thức cơ bản về CĐS, kỹ năng số cho người dân, đảm bảo người dân đều được trang bị kiến thức, kỹ năng số cần thiết để áp dụng trong cuộc sống hằng ngày nhằm nắm bắt, tận dụng, khai thác, thụ hưởng những thành quả của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS mang lại.
Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai phong trào, thực hiện nhiệm vụ, giải pháp phổ cập tri thức cơ bản về CĐS, kỹ năng số cho người dân; đẩy nhanh tiến trình CĐS của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
![]() |
Tổ công nghệ số cộng đồng xã Ea M'nang (huyện Cư M'gar) hướng dẫn, tuyên truyền các kỹ năng số cho hộ kinh doanh trên địa bàn. |
Năm 2025, phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn tỉnh hướng đến các mục tiêu cụ thể: 80% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan có hiểu biết về CĐS, có kiến thức và kỹ năng số, sử dụng được các nền tảng số, dịch vụ số phục vụ công việc.
100% học sinh trung học và sinh viên được trang bị kiến thức, kỹ năng số để phục vụ học tập, nghiên cứu và sáng tạo, có kỹ năng an toàn trong học tập và tương tác xã hội trong môi trường số.
80% người dân trong độ tuổi trưởng thành có tri thức cơ bản về CĐS, có kỹ năng số, sử dụng được thiết bị thông minh để khai thác thông tin, sử dụng nền tảng, dịch vụ số thiết yếu, biết bảo vệ bản thân trên môi trường số.
70% người dân trong độ tuổi trưởng thành được xác nhận đạt phổ cập tri thức về chuyển đổi số, kỹ năng số trên nền tảng VNelD.
80% người lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có kiến thức cơ bản về công nghệ số, có kỹ năng số, sử dụng được thiết bị thông minh để phục vụ sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động.
Đến năm 2026, các mục tiêu cụ thể này sẽ được tăng dần tỷ lệ.
Để phong trào lan tỏa, mang lại hiệu quả thiết thực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về truyền thông và tuyên truyền; về việc thực hiện các quy định, hướng dẫn của Trung ương; triển khai các chương trình phổ cập kỹ năng số; ứng dụng các nền tảng; phổ cập tri thức về CĐS, kỹ năng số cho từng nhóm đối tượng; triển khai các mô hình, phong trào lan tỏa kỹ năng số cho cộng đồng.
Phân công nhiệm vụ cụ thể cho Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS tỉnh; Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy; Đảng ủy UBND tỉnh; các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy…. có trách nhiệm triển khai phong trào, phù hợp với điều kiện thực tế, đạt hiệu quả cao.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc