Multimedia Đọc Báo in

Vớt và tiêu hủy nhiều xác heo thả trôi trên kênh thủy lợi

21:00, 19/07/2025

Chiều 19/7, Trạm trồng trọt và chăn nuôi số 2 cho biết, Trạm và xã Phú Hòa 2 đã tìm thấy 7 xác heo thả trôi trên kênh N3 (thuộc hệ thống thủy nông Đồng Cam), đoạn qua thôn Long Phụng, xã Phú Hòa 2. Mỗi xác heo nặng khoảng 70kg. Hai đơn vị đã tổ chức vớt các xác heo chết này lên bờ và đưa đi tiêu hủy. 

Trước đó, khoảng 17 giờ ngày 18/7, ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân về việc có xác heo thả trôi trên kênh N3, Trạm Trồng trọt và Chăn nuôi Số 2, phối hợp với UBND xã Phú Hòa 2 cho 10 người đi kiểm tra toàn bộ 9km kênh N3 qua các xã Phú Hòa 1, Phú Hòa 2 và phát hiện 4 xác heo tại xi phông Bến Lội và 3 xác trôi cách đó 500m thuộc thôn Long Phụng (xã Phú Hòa 2).

Lực lượng thú y tìm kiếm và phát hiện xác heo tấp tại xi phông Bến Lội
Lực lượng thú y tìm kiếm và phát hiện xác heo tấp tại xi phông Bến Lội.

Ông Tạ Quang Sâm, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Chăn nuôi số 2 cho biết: Sau khi vớt lên, chúng tôi đưa các xác heo này về bãi rác Gò Đỗ thuộc thôn Phụng Tường 1 (xã Phú Hòa 2) để đốt tiêu hủy.

Tất cả các quy trình xử lý tiêu hủy được thực hiện đúng theo quy định của ngành Thú y, nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh.

Đơn vị vẫn chưa xác định được số xác heo này do ai vứt xuống mương và sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương để làm rõ vấn đề này.

Đưa xác heo ra bãi rác tiêu hủy
Đưa xác heo ra bãi rác tiêu hủy.

Trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nếu phát hiện vật nuôi có các dấu hiệu nhiễm bệnh, chết người nuôi cần nhanh chóng cách ly, thực hiện các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh lây lan và báo ngay cho cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương nơi gần nhất để được hướng dẫn, hỗ trợ các giải pháp phòng chống dịch; tuyệt đối không được vứt xác ra môi trường, xuống mương nước, bãi rác… Điều này sẽ gây ô nhiễm môi trường, làm lây lan dịch bệnh và phải chịu các mức xử phạt theo luật định.

Thủy Tiên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Bác sĩ của ... voi
Ở Đắk Lắk, có những bác sĩ không làm việc trong bệnh viện mà gắn bó với rừng, với buôn làng để chăm sóc những “bệnh nhân” khổng lồ là những con voi nhà. Công việc của họ thầm lặng nhưng đầy gian nan, góp phần bảo vệ một loài vật quý đang đứng bên bờ tuyệt chủng.