Những ngôi làng bước ra từ bóng tối (bài 2)
Bài 2: Ngôi làng “sáng xỉn, chiều say”
Con gà vừa nhảy trên chuồng xuống đất, ở làng Đê Bờ Tưk (xã Đak Jơ Ta, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đã có người cất tiếng gọi nhau đi “ét-tờ-rô” (uống rượu). Họ uống triền miên, “tràn từ cơn say này qua cơn say khác”. Ai cũng ngỡ, chỉ có phép màu mới có thể khiến ngôi làng này dứt khỏi cơn say...
Quẫn bách, bần cùng vì rượu
Cách trung tâm huyện Mang Yang chừng 10 km, làng Đê Bờ Tưk nằm lọt thỏm giữa ba bề núi; 99% cư dân là đồng bào dân tộc Ba Na.
Tôi về Đê Bờ Tưk vào một ngày đầy nắng năm 2016. Trái ngược với khung cảnh các nơi đang rộn rã vào mùa thu hoạch, làng Đê Bờ Tưk im lìm như đang thiêm thiếp ngủ. Khắp làng chỉ thấy những căn nhà vách gỗ mốc meo, đứng rúm ró đầy thiểu não. Hiếm hoi lắm mới thấy một căn nhà xây nhưng còn để gạch mộc. Tha thẩn trong làng một lúc lâu, tôi mới gặp hai người đàn bà đang còng lưng gùi củi về nhà. Nghe hỏi chồng con đi đâu, họ trả lời cụt lủn, vẻ tức giận: “Nó đi uống rượu rồi !”.
Nghe tiếng ồn ào trong căn nhà sàn gỗ xiêu vẹo đằng sau lớp mẫu giáo của làng, tôi tìm đến. 5 người cả đàn ông lẫn đàn bà đang uống rượu. Vừa thấy tôi, một người đàn ông đứng dậy ra cửa nắm tay kéo vào, miệng la “ét tờ rô, ét tờ rô”. Sau khi uống 3 ly làm “luật” để có cớ nói chuyện, tôi hỏi tên người kéo mình vào cuộc, anh bảo: “Biết tên làm gì, cứ gọi mình là Rượu, 30 tuổi” (sau này tôi mới biết anh chàng tên là Dưk). Nói rồi “Rượu” chỉ tay giới thiệu những người đang ngồi chung quanh: Này là vợ, cha nuôi, anh trai và hàng xóm... 5 người với can rượu 5 lít nhưng “mồi” chỉ là chút canh rau rừng lõng bõng nấu với khoảng chục con cá suối trắng hếu, nhỏ bằng đầu đũa…
Sau khi tợp một ngụm rượu, “Rượu” xởi lởi kể cho tôi nghe “lý lịch” của mình: Vợ chồng anh “bắt” nhau kể cũng đã 7- 8 mùa rẫy nhưng vẫn chưa có con. Nhà chỉ có hai đám ruộng nhỏ, gạo chỉ ăn được khoảng 3 tháng là hết. Thỉnh thoảng “Rượu” cũng có đi rừng tìm mật ong, lấy cây đót về bán. Lúc không có việc thì chỉ biết uống rượu. “Rượu” khoe: “Hồi trước mình uống giỏi lắm. Ngày nào cũng uống, cứ say thì ngủ; ngủ xong dậy lại uống tiếp. Bây giờ tay run nên không uống được nhiều nữa. Vợ mình cũng uống rượu giỏi đấy. Nó già hơn mình nên có kinh nghiệm hơn”. Tôi để ý một người đàn ông không tham gia cuộc rượu mà ngồi thu lu trong góc nhà. Hỏi thì được biết anh tên Rinh - anh trai “Rượu”. Rinh mới 43 tuổi mà trông đã lọm khọm như một ông già. Anh cười, đưa một ngón tay chỉ vào hàm răng lởm khởm kể: “Hôm trước mình uống rượu ở nhà “ông già” kết nghĩa, 5 người uống hết 3 lít rượu. Khi về bước xuống cầu thang trượt chân, gãy mất 6 cái răng”.
Bà Sáu, chủ quán tạp hóa trong làng khi nghe tôi kể vừa uống rượu với người làng liền bắt chuyện. Bà cho biết, ngày thường, quán của bà bán khoảng 13 - 17 lít rượu. Những ngày trong làng có cưới xin, cúng bái thì có thể đến cả trăm lít… “Sáng nào cũng vậy, quán tôi vừa hé cửa là đã có người đến mua rượu rồi. Thật sự là nhiều lúc sợ mang tiếng không muốn bán nhưng rồi cũng phải bán. Không bán, họ kỳ kèo không chịu đi. Có rượu là họ uống cho kỳ say rồi ngủ. Tỉnh dậy lại đi mua rượu uống tiếp. Làng này không có gạo thì họ nhịn đói cũng được chứ hết rượu thì không chịu được đâu”, bà Sáu thở dài.
Làng Đê Bờ Tưk “nghèo vì rượu” là một nỗi lo lớn của chính quyền xã. Ông Đinh Văn Trứ, nguyên Chủ tịch UBND xã Đak Jơ Ta bày tỏ: “Nạn rượu chè ở làng Đê Bờ Tưk là một vấn đề nan giải đối với chúng tôi. Chắc cả tỉnh Gia Lai chẳng có làng nào mà 139 hộ thì có tới 129 hộ nghèo; 4 hộ cận nghèo và 6 hộ mới thoát nghèo. Chúng tôi đã tiến hành biện pháp là hằng năm tổ chức đưa bà con đi tập huấn cách làm ăn. Các phòng chuyên môn của huyện xuống tận làng vận động nhưng rồi cứ như “nước đổ lá môn”. Nhiều khi tổ chức họp dân, cán bộ đến làng thì họ vẫn ngủ; đến khi quay lại thì nhiều người đã lôi rượu ra uống, say ngất ngư mất rồi, còn tuyên truyền, vận động thế nào được nữa”…
![]() |
Sắn - một trong hai loại cây trồng tạo sự biến chuyển đời sống cho làng Đê Bờ Tưk. |
Bài “thuốc giải” đặc hiệu
Bây giờ thì làng Đê Bờ Tưk đã khác trước rồi. Trong làng, những ngôi nhà to, rộng, mái tôn còn nguyên màu sơn mới đã lấn át những căn nhà nhỏ bé, tạm bợ. “Thật sự là nạn rượu chè ở Đê Bờ Tưk chưa dứt được đâu, nhưng so với trước cũng đã giảm được đến 70% rồi”, ông Nguyễn Phi Thủy, Chủ tịch UBND xã Đak Jơ Ta thông tin. Chỉ những gì mới thoáng qua, tôi cũng hiểu được “cơn say” của làng đã có “thuốc giải”. Và dù chỉ 70% thì cũng đã là hiệu quả không ngờ...
Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đê Bờ Tưk Nông Văn Đạo năm nay 34 tuổi nhưng đã sắp tròn 3 nhiệm kỳ giữ chức bí thư, 2 nhiệm kỳ trưởng thôn. Chàng trai người dân tộc Tày có gương mặt cương nghị và nụ cười dễ mến ấy, hơn ai hết là người trực tiếp nếm trải mọi nỗi khó khăn, vất vả để cùng bộ máy lãnh đạo xã vực Đê Bờ Tưk ra khỏi “cơn say”.
Đạo kể, khi bắt đầu cuộc vận động “thay đổi nếp nghĩ, cách làm” rồi thực hiện các chương trình, đề án của nhà nước dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có lẽ không đâu lắm trở ngại như Đê Bờ Tưk. Làng nằm trên vùng đất sỏi pha cát lại ba bề là núi; mùa khô gió thốc như bão cuốn. Đã có người trồng thử cà phê nhưng không thể chống chọi nổi nắng gió. Mắc ca trồng cũng chết. Điều phát triển chậm, ít trái. Phù hợp với vùng đất này chỉ có trồng keo lai, bạch đàn, sắn và chăn nuôi bò. Chọn hướng đi này cũng phù hợp với tập quán và tâm lý của đồng bào: dễ làm, ít công chăm sóc, nhanh có tiền. Xác định được hướng đi rồi, bắt đầu cuộc vận động “thay đổi nếp nghĩ, cách làm”. Đây mới chính là thời điểm cam go nhất. Vận động bỏ uống rượu, nhiều người trả lời tỉnh bơ: “Mình uống bằng tiền của mình, có phải tiền nhà nước cho đâu”. Không chỉ thế, lắm khi cán bộ đi vận động còn bị chửi, đóng cửa nhà không tiếp. Bò được nhà nước cấp về, người thì mang thịt để “chia của” cho người chết; người để mặc bệnh tật, không chịu mua thuốc để tiêm vì “nó là bò của nhà nước”. Thực trạng này nếu không kiên trì và có biện pháp mới thì sẽ không cải thiện được…
8 cán bộ xã được giao nhiệm vụ phụ trách làng; hằng tháng xuống sinh hoạt cùng chi bộ để cùng bàn giải pháp vận động, tháo gỡ vướng mắc. Già làng A Dết và người có uy tín như ông Phứt; những người chịu khó làm ăn như các ông Mlôn, Byă, Thoắt, Dơng, Quai... là những nhân tố được xác định làm chỗ dựa, tạo sự lan tỏa cho cuộc vận động. Cán bộ đồng thời phải tích cực tận dụng mọi cơ hội để tuyên truyền. Các cuộc rượu đôi khi được xác định là cơ hội “lấy độc trị độc”: Tận dụng sự thân tình, hòa đồng qua chén rượu để tâm sự, khuyên giải... “Mưa dầm thấm lâu”, dần dần nhiều người cũng nhận ra rằng đã rượu chè là đi liền với thói lười biếng, hậu quả dẫn đến bệnh tật, nghèo đói bần cùng. Như một phản ứng dây chuyền, cứ vậy người sau theo người trước. Còn những “con nghiện ngoan cố” thì dần cũng thấy mình lạc lõng. Không bỏ được thì cố uống ít, tránh lôi kéo người khác sa chân vào tật xấu như mình...
Nông Văn Đạo phấn khởi “cụ thể hóa” cho tôi hay hiệu quả của con số 70% đã bỏ được tệ rượu chè: số hộ nghèo của làng đã giảm được gần 50%. Những hộ làm ăn khá như ông Chun, ông Đua, Dút, Hmư, Hrưng, Dơng... đã có thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng. Những hộ làm được nhà trị giá 200 – 300 triệu đồng như các ông Mlôn, Tdang không ít. Cả làng hiện chỉ còn 11 hộ ở nhà tạm cần xây mới. Giải quyết được khâu này, xem như Đê Bờ Tưk đã qua một “bước ngoặt”. Dù hãy còn khiêm tốn nhưng vẫn là bước tiến lớn so với thời điểm 2016 khi cả làng chỉ có vỏn vẹn 6 hộ thoát được nghèo!
(Còn nữa)
Bài cuối: Làng “thuốc thư” cuối cùng
Ngọc Tấn
Ý kiến bạn đọc