Hương cà phê, vị đời người
Cây cà phê bén duyên với mảnh đất Đắk Lắk từ khoảng đầu thế kỷ 20. Nhiều năm qua, cây trồng này là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh.
Không chỉ giúp cải thiện đáng kể đời sống, kinh tế của bà con, cà phê còn là ngành hàng xuất khẩu chủ lực, với kim ngạch đáng tự hào cho tỉnh Đắk Lắk mỗi năm. Tuy nhiên, để làm ra được những hạt cà phê cũng lắm gian truân.
Hành trình của anh Quách Trọng Dần là một minh chứng cho điều đó. Rời quê hương Hà Tĩnh, anh cùng gia đình đến thôn 1, xã Tân Lập (huyện Krông Búk) lập nghiệp vào năm 2010. Anh mua lại 1 ha cà phê và dựng tạm căn nhà ván gỗ vừa để ở vừa chăm sóc cây trồng. Trên quê hương mới với một loại cây trồng cũng hoàn toàn mới, anh đã nếm trải bao khó khăn vất vả với những đêm dài trăn trở lo toan, những khó khăn chồng chất khi thời tiết không thuận lợi...
![]() |
Ông Quách Trọng Dần (bên phải) với 25 năm gắn bó cùng cà phê trên quê hương Đắk Lắk. |
"Làm cà phê không hề nhàn hạ như tôi từng nghĩ. Nhà nào tích lũy được vốn và chủ động nhân lực thì còn đỡ khó khăn, không thì phải mua nợ, vay mượn rồi đến vụ thu, bán cà phê mới trả… Chưa kể, để cây trồng cho năng suất ổn định thì cũng phải trông chờ vào thời tiết. Mỗi lần bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật mà trời tạnh ráo thì không sao, lỡ gặp mưa rửa trôi thì coi như “công cốc”. Rồi đến mùa thu hoạch thường thời tiết hay mưa, gây khó khăn trong việc thu hoạch. Nhiều năm không thuê được nhân công, vợ chồng phải huy động cả 2 con đội mưa ra vườn hái… Công việc cứ thế cuốn đi, từ sáng sớm đến tối mịt, chỉ trừ những ngày lễ tết hay gia đình có việc quan trọng mới dám nghỉ tay”, anh Dần tâm sự.
Cà phê cũng là cây trồng mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình. Từ việc nuôi con ăn học, trang trải cuộc sống hằng ngày đều trông chờ vào rẫy cà phê. Từ 1 ha cà phê ban đầu, năm 2015 anh đã mua thêm 2 ha đất để trồng thêm cà phê xen canh sầu riêng và cây ăn trái khác. Căn nhà ván gỗ trước đây đã thay bằng nhà mái thái khang trang, cuộc sống của gia đình anh cũng nhờ cà phê mà vươn lên khấm khá.
![]() |
Vườn cà phê hữu cơ của gia đình ông Chu Triều Cao. |
Trong nắng gió của Tây Nguyên, những người nông dân cần mẫn ngày đêm gắn bó với cà phê. Cà phê không chỉ là nguồn thu nhập chính mà còn là niềm tự hào, là động lực để họ vượt qua mọi gian khó. Năm 2018, gia đình ông Chu Triều Cao (dân tộc Tày, ở thôn Tri C1, xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo) đã mạnh dạn ghép cải tạo lại toàn bộ 2 ha cà phê bằng giống mới TR4 và chuyển hướng sản xuất sang quy trình hữu cơ. "Làm cà phê hữu cơ vất vả hơn nhiều so với cách làm truyền thống nhưng bù lại, cây cà phê phát triển tốt hơn, năng suất ổn định và đặc biệt là sản phẩm được thị trường ưa chuộng, mang lại thu nhập cao hơn. Với 2 ha cà phê, niên vụ vừa qua gia đình thu được 7 tấn nhân, thu về 1 tỷ đồng", ông Cao hồ hởi chia sẻ.
Những người nông dân một nắng hai sương như anh Dần, ông Cao đã góp phần viết lên câu chuyện cà phê trên vùng đất đỏ. Những hạt cà phê mang hương vị đặc trưng của vùng đất bazan đã vươn xa, đến nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, góp phần nâng cao đời sống của người dân và khẳng định giá trị của hạt vàng Tây Nguyên.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc