Multimedia Đọc Báo in

Quả ngọt trên hành trình xây dựng thương hiệu gạo huyện Lắk

07:36, 16/05/2025

Với sự đồng hành của chính quyền địa phương, doanh nghiệp và nông dân, đến nay huyện Lắk đã xây dựng thành công nhãn hiệu gạo và được thị trường đón nhận.

Ngày 9/4/2025, nhãn hiệu “Gạo huyện Lắk” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận. Đây là khởi đầu quan trọng để địa phương triển khai các bước tiếp theo nhằm “danh chính ngôn thuận” đưa thương hiệu gạo huyện Lắk đến với thị trường.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Trên địa bàn huyện Lắk hiện có 3 hợp tác xã (HTX) sản xuất lúa theo hướng VietGAP, với tổng diện tích khoảng 154 ha và đã được cấp giấy chứng nhận gồm: HTX Sản xuất, phân phối giống cây trồng và Dịch vụ nông nghiệp Tuấn Nguyên, tổng diện tích là 33 ha, với 29 hộ tham gia; HTX Sản xuất, thương mại, dịch vụ nông lâm ngư nghiệp Thiên Phú, tổng diện tích 40 ha, với 16 hộ tham gia; HTX Sản xuất và Dịch vụ nông ngư nghiệp Thái Hải, tổng diện tích 81 ha, với 34 hộ tham gia.

Nông dân ở vựa lúa Buôn Triết ứng dụng cơ giới hóa trong hoạt động sản xuất.

Để xây dựng thương hiệu lúa gạo cho địa phương, trong những năm qua huyện Lắk luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và nông dân, hỗ trợ kinh phí thực hiện các mô hình liên kết sản xuất. Đơn cử đã hỗ trợ kinh phí hơn 4,5 tỷ đồng cho HTX Sản xuất và Dịch vụ nông ngư nghiệp Thái Hải thực hiện Dự án Xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn trồng lúa theo hướng liên kết chuỗi giá trị.

Theo đó, HTX đã quy hoạch vùng sản xuất, thực hiện mô hình cánh đồng lớn sản xuất theo chuỗi giá trị, với diện tích mỗi năm 200 ha và 124 hộ tham gia, tổng sản lượng liên kết đạt 3.780 tấn lúa các loại bán ra thị trường. Tính đến cuối năm 2024, HTX đã có 81 ha được cấp giấy chứng nhận VietGAP, hiện nay HTX đã bảo vệ thành công thương hiệu sản phẩm gạo sạch Thái Hải đạt sản phẩm OCOP 3 sao.

 

Huyện Lắk có thế mạnh về sản xuất lúa nước, với tổng diện tích gieo trồng lúa hằng năm khoảng 15.000 ha, tổng sản lượng lúa 2 năm gần đây (2023 - 2024) của huyện Lắk đạt từ 91.000 – 95.000 tấn, các giống lúa chủ lực như Đài thơm 8, RVT, ST24, ST25…

UBND huyện Lắk cho biết, toàn huyện có 29 HTX, trong đó có 17 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong những năm qua, các HTX nông nghiệp đã có sự phát triển cả về lượng và chất, mô hình hoạt động đa dạng, cung ứng dịch vụ gắn với chuỗi giá trị. Việc sử dụng máy bay phun thuốc, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ sấy nông sản được các HTX tích cực ứng dụng vào hoạt động sản xuất, chế biến, mang lại năng suất, sản lượng và giá trị kinh tế cao.

Quả ngọt đầu mùa

Cùng với các hoạt động đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân, việc đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông nội đồng để thuận tiện trong hoạt động đi lại, sản xuất và vận chuyển nông sản nói chung, lúa nói riêng được chính quyền các cấp trên địa bàn quan tâm. Hằng năm, từ các nguồn vốn khác nhau, nhiều tuyến đường giao thông nội đồng đã được làm mới, duy tu, sửa chữa.

Đơn cử như năm 2022, từ nguồn ngân sách tỉnh và huyện, đường trục chính giao thông nội đồng tại cánh đồng lúa thôn Buôn Tung 1, xã Buôn Triết được đầu tư xây dựng, với tổng mức 2,5 tỷ đồng; đường trục chính giao thông nội đồng tại cánh đồng lúa thôn Đông Giang, xã Buôn Tría, tổng mức đầu tư hơn 1,9 tỷ đồng. Từ nguồn vốn ngân sách nhà nước ngoài đầu tư công, năm 2024 đã phân bổ 850 triệu đồng để sửa chữa kênh mương Nông trường 8/4 (xã Buôn Tría).

Bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, các địa phương như xã Buôn Tría, Buôn Triết thực hiện tốt việc huy động sức dân để tham gia làm đường giao thông nội đồng. Nhờ vậy, đến nay nhiều trục đường giao thông nội đồng đã được bê tông hóa, phục vụ tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản, thuận tiện cho cơ giới hóa trong hoạt động sản xuất cây lúa nước.

Trong những năm qua, gạo huyện Lắk được thị trường đón nhận.

Tiến trình xây dựng thương hiệu sản phẩm và xác lập quyền đối với nhãn hiệu chứng nhận gạo huyện Lắk cũng được Ban Thường vụ Huyện ủy thường xuyên lãnh đạo, đôn đốc các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn triển khai thực hiện. Ngày 28/2/2022, Huyện ủy Lắk đã ban hành nghị quyết chuyên đề về định hướng xây dựng thương hiệu gạo (Nghị quyết số 09-NQ/HU).

Trên cơ sở Nghị quyết 09, Ban Thường vụ Huyện ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc căn cứ chức năng, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch và triển khai phù hợp với thực tế. Theo đó, đã tổ chức đi khảo sát, thu thập sản phẩm và lập hồ sơ để xây dựng quy chế cho nhãn hiệu; thiết kế logo; xây dựng mã số mã vạch đăng ký Cục Sở hữu trí tuệ, thiết kế tem nhãn; thiết kế mẫu bao bì gạo; xây dựng bản đồ khoanh vùng sản phẩm đăng ký nhãn hiệu chứng nhận…

Chia sẻ niềm vui khi gạo huyện Lắk được cấp giấy đăng ký chứng nhận nhãn hiệu riêng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lắk Võ Thành Huệ khẳng định, chứng nhận này sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để các HTX, hộ nông dân sản xuất, kinh doanh gạo trên địa bàn huyện được quyền sử dụng nhãn hiệu và kinh doanh sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Thời gian tới, địa phương sẽ chú trọng đẩy mạnh công tác xúc tiến liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo; xây dựng cơ chế hỗ trợ vốn đặc thù cho các HTX. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ trong chọn tạo giống lúa phù hợp. Quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách đất đai để thu hút các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gạo trên địa bàn huyện, góp phần tăng hiệu quả sản xuất và nâng cao chất lượng gạo. Đồng thời, đưa các sản phẩm gạo vào các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm gạo huyện Lắk trên thị trường.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đưa việc học tập và làm theo gương Bác đi vào chiều sâu
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk vừa tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt toàn tỉnh để nghiên cứu, học tập, quán triệt Chuyên đề năm 2025 "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; quan tâm chăm lo vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk".