Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực hiện thực hóa thương hiệu gạo huyện Lắk

06:48, 12/04/2022

Với thế mạnh về sản xuất nông nghiệp là các cánh đồng lúa nước, huyện Lắk đang quyết tâm xây dựng thành công thương hiệu gạo huyện Lắk vào năm 2025.

Nhiều tiềm năng

Huyện Lắk có tổng diện tích tự nhiên hơn 125.600 ha, trong đó diện tích trồng lúa nước toàn huyện 13.400 ha. Địa phương có các vựa lúa lớn ở các xã Buôn Tría, Buôn Triết với nguồn nước phong phú, hằng năm được bồi đắp một lượng phù sa lớn từ sông Krông Ana. Nhờ đó, các sản phẩm lúa gạo của huyện Lắk có hàm lượng dinh dưỡng cao, hương thơm tự nhiên, dẻo, ngọt… được thị trường trong và ngoài tỉnh đón nhận.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền các cấp và sự nỗ lực của nhân dân, sản xuất nông nghiệp của huyện từng bước phát triển, các tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất. Người dân tích cực đẩy mạnh chuyển dịch mùa vụ, sản xuất các giống lúa mới phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương cho năng suất và chất lượng cao.

Điển hình là vụ đông xuân 2019 – 2020, với việc đưa các giống lúa như ST24, Đài Thơm 8, RVT vào sản xuất, năng suất vụ lúa này của huyện đứng thứ tư cả nước, khoảng 77,3 tạ/ha. Hiện nay, các giống lúa này được nông dân trên địa bàn huyện áp dụng sản xuất đại trà và khẳng định được những tính năng ưu việt của sản phẩm gạo từ giống lúa chất lượng cao.

Cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Lắk kiểm tra lúa trên cánh đồng của xã Buôn Tría.

Gạo của huyện Lắk ngày càng khẳng định được thương hiệu trên thị thường bởi phương thức sản xuất hữu cơ, thực hiện theo quy trình VietGAP, một số hợp tác xã (HTX) nông nghiệp hình thành như HTX Nông nghiệp Thành Tín ở xã Đắk Nuê, chuyên sản xuất và cung ứng chuỗi dây chuyền nông sản hữu cơ gạo sạch ST24; HTX Dịch vụ nông nghiệp Đồng Nhất ở Buôn Triết, chuyên về cung ứng các dịch vụ nông nghiệp; HTX Sản xuất và dịch vụ nông ngư nghiệp Thái Hải ở xã Buôn Triết… Với việc hình thành các HTX sản xuất nông nghiệp và dịch vụ này, huyện Lắk từng bước hướng đến sản xuất lúa gạo gắn với chế biến nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân và doanh nghiệp.

 

Bí thư Huyện ủy Lắk Võ Ngọc Tuyên cho biết, huyện Lắk đã kêu gọi một doanh nghiệp ở tỉnh Bình Phước đầu tư xây dựng nhà máy chế biến lúa gạo tại địa bàn xã Buôn Triết, với công suất 40.000 tấn/năm, tổng kinh phí khoảng 30 tỷ đồng.

Ngoài ra, huyện Lắk cũng có thế mạnh về nhân lực lao động sản xuất nông nghiệp, đặc biệt đối với cây lúa nước. Hiện ở hai vựa lúa lớn của huyện là xã Buôn Tría và xã Buôn Triết, phần lớn là người dân từ tỉnh Thái Bình vào sinh sống và lập nghiệp. Nhờ vậy, họ có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, canh tác lúa nước.

Nỗ lực biến tiềm năng, lợi thế thành hiện thực

Với nhiều thế mạnh, song trên thực tế cho thấy, quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gạo trên địa bàn huyện Lắk vẫn thiếu sự liên kết, chưa thu hút doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư dây chuyền khép kín. Do vậy, sản phẩm gạo huyện Lắk chưa được chứng nhận nhãn hiệu trên thị trường. Từ những cơ hội và thách thức, với mục tiêu biến những tiềm năng, lợi thế thành hiện thực, Huyện ủy Lắk đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/HU về định hướng xây dựng thương hiệu gạo huyện Lắk. Theo Bí thư Huyện ủy Lắk Võ Ngọc Tuyên, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện xác định việc xây dựng thương hiệu gạo là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị. Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện yêu cầu đảng ủy các xã, thị trấn và tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, đặc biệt người đứng đầu cấp ủy xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể thực hiện nghị quyết. Tạo điều kiện về cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với tổ chức, cá nhân, khuyến khích họ tham gia xây dựng thương hiệu gạo huyện Lắk phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị. Định kỳ 6 tháng và 1 năm, tổ chức đánh giá, kiểm điểm việc thực hiện, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các thiếu sót, đồng thời bổ sung giải pháp phù hợp nhằm triển khai nghị quyết một cách hiệu quả.

Nông dân xã Buôn Triết chăm sóc lúa vụ đông xuân 2021 - 2022.

Huyện Lắk đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sản lượng lúa đạt 75.000 tấn và xây dựng thành công thương hiệu gạo của huyện; gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông qua các hợp đồng liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó xây dựng các vùng sản xuất lúa phát triển ổn định, bền vững, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra sản phẩm có chất lượng và giá trị cao cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Để hiện thực hóa nghị quyết này, Đảng bộ huyện Lắk đưa ra 12 nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung một số giải pháp trọng tâm như: tăng cường đầu tư hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất, tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi nội đồng nhằm cung cấp nước chủ động cho việc thâm canh, sản xuất lúa. Chú trọng chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả để nâng cao giá trị và thu nhập cho người dân. Địa phương sẽ tạo điều kiện về cơ chế, chính sách đất đai để thu hút các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gạo trên địa bàn huyện nhằm tăng hiệu quả sản xuất lúa và nâng cao chất lượng, giá trị cũng như khả năng cạnh tranh của sản phẩm gạo huyện Lắk trên thị trường…

Phạm Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.