Để mô hình sản xuất không "chết yểu"
![]() |
Mô hình trồng hoa hồng ở phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột. |
Trên thực tế, có rất nhiều mô hình được triển khai rầm rộ, mất nhiều kinh phí đầu tư nhưng nhanh chóng “chết yểu” khi dự án kết thúc, hoặc có những mô hình được người dân nhân rộng quá mức khiến cung lớn hơn cầu, sản phẩm làm ra không có thị trường tiêu thụ, nhiều nông dân điều đứng vì nợ nần chồng chất. Đơn cử như mô hình nuôi nhím, trước năm 2010, phong trào nuôi nhím phát triển rầm rộ khiến mặt hàng nhím giống đẩy giá lên cao, trên dưới 20 triệu đồng/cặp, có khi lên trên 30 triệu đồng/cặp; nhím thịt khoảng 800.000 đồng/kg. Thế nhưng chẳng bao lâu sau thì giá nhím thịt và nhím giống rớt thê thảm, chỉ còn khoảng 2 triệu đồng/cặp nhím giống và 250.000 đồng/kg nhím thịt do thị trường tiêu thụ ít mà nguồn cung lại quá nhiều. Hay phong trào nuôi nai lấy nhung, sau một thời gian nhà nhà đua nhau nuôi nai vì lợi nhuận cao thì đến nay đã chững lại vì gặp khó khăn ở đầu ra. Điều này cho thấy, việc khuyến khích người dân nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao là điều cần thiết nhưng chưa đủ, bởi những mô hình mà người dân duy trì được hiệu quả là vì tự bản thân họ tìm kiếm và xây dựng được thị trường ổn định. Một khi nhân rộng ra mà không có sự liên kết là đồng nghĩa với việc mỗi nông dân phải tự tìm kiếm thị trường riêng để tiêu thụ sản phẩm của mình - đây là điều mà không phải nông dân nào cũng làm được.
Xây dựng và phát huy hiệu quả các mô hình kinh tế có ý nghĩa quan trọng đối với một tỉnh sản xuất nông nghiệp như Dak Lak. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là khi xây dựng và nhân rộng các mô hình, nhà quản lý cần có định hướng, chính sách hỗ trợ đi kèm cho nông dân trong việc tổ chức liên kết sản xuất, thông qua các tổ hợp tác hoặc liên minh sản xuất để vừa tạo đầu ra ổn định, vừa nâng cao giá trị sản phẩm nông sản.
Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc