Multimedia Đọc Báo in

Khen - chê con cũng cần đúng lúc, đúng cách

09:08, 28/07/2013

Đối với việc giáo dục con trẻ, việc dùng những lời khen - chê đóng vai trò hết sức quan trọng, bởi đó là những yếu tố vừa mang tính động viên, khích lệ cho trẻ, đồng thời cũng kịp thời định hướng, răn đe trẻ sống sao có quy củ, có kỷ luật và tự tin hơn trong cuộc sống.

Khi đứa trẻ vừa tập tành biết nói, chập chững biết đi đã được cha mẹ vỗ tay khen thưởng, hoặc khi đi học, được thầy cô, cha mẹ khen ngợi vì học giỏi, trẻ sẽ hiểu rằng thành quả của mình đạt được được mọi người công nhận, khuyến khích. Tuy nhiên, nếu dùng những lời khen không có sự cân nhắc, lựa chọn sẽ biến thành “con dao hai lưỡi”, bởi lẽ, trẻ còn quá nhỏ để hiểu được những mức độ của lời khen: khen mang tính khích lệ, khen để lấy lòng trẻ hay khen để tán thưởng trẻ… nên trẻ dễ bị ngộ nhận và dễ có xu hướng tự mãn, tự kiêu vì cho rằng mình đã giỏi. Do vậy các bậc cha mẹ cần có một định hướng và kỹ năng giáo dục trẻ đúng đắn, phù hợp. Không chỉ vậy lời khen nên tùy theo độ tuổi. Khi trẻ còn nhỏ thì lời khen nên mang tính khuyến khích thường xuyên, nghĩa là khen mọi lúc, mọi nơi nhằm tạo niềm tin cho trẻ. Khi trẻ lớn dần, nên khen ít hơn và cần thiết thực. Chẳng hạn, khi con trẻ làm tốt việc gì cha mẹ cần dành những lời động viên như: “Con ngoan quá! hãy tiếp tục làm như thế nhé!”, “Hãy cố gắng lên con nhé!”, “Cha mẹ rất vui vì con, cha mẹ rất hoan nghênh con những việc con đã làm”…

Cha mẹ cũng không nên lạm dụng việc động viên, hay khen thưởng trẻ bằng những đồ vật có giá trị. Những đồ vật tặng thưởng chỉ nên mang tính tượng trưng và có giá trị thấp như: đôi giày, quần áo, chiếc mũ, truyện, đồ chơi… Khi giá trị phần thưởng càng lớn, trẻ càng xem việc học hành hay công việc nào đó như là cuộc mua bán và theo thời gian, trẻ sẽ nảy sinh tính vụ lợi, mua chuộc hay đua đòi…

Bên cạnh đó, việc chê hay phạt con cũng cần đúng lúc, đúng cách và đúng nơi. Trong cuộc sống, trẻ nhỏ thường rất hiếu động, thích tìm hiểu và chưa có ý thức về sự đúng – sai, vì vậy việc trẻ dễ vi phạm, mắc lỗi là điều dễ gặp. Những lúc như thế, cha mẹ nên có cách chê và phạt con đúng cách. Chẳng hạn con lỡ đánh rơi, làm vỡ vật gì đó trong nhà, cha mẹ cũng không nên mắng chửi quá mức hay đánh con ngay mà cần nhẹ nhàng, ân cần chỉ và nói rõ cho trẻ hiểu vì sao bị rơi vỡ, làm như thế nào để lần sau không mắc phải, hay nói cho con hậu quả của việc làm đúng - sai đó là gì để trẻ tự hiểu và rút kinh nghiệm. Đặc biệt, cha mẹ cần tránh chê hay phạt con trước mặt nhiều người, nhất là bạn bè của chúng, bởi những lúc như vậy sẽ khiến trẻ sợ hãi, xấu hổ với mọi người, bạn bè và lần sau trẻ sẽ rụt rè, ngại thể hiện cá tính của bản thân với mọi người. Dần dần trẻ sẽ dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, thụ động và sợ hãi khi làm bất cứ việc gì. Có trường hợp, việc chê hay phạt con không đúng cách không những không mang lại tác dụng như mong muốn mà còn khiến trẻ trở nên ương bướng, lầm lì và sẵn sàng phản kháng tiêu cực.

Thiết nghĩ, để nuôi dạy con trẻ thành công, thành người có ích cho xã hội đòi hỏi những bậc làm cha làm mẹ phải cố gắng về nhiều mặt, không chỉ linh hoạt trong việc nuôi dưỡng mà còn phải có phương pháp dạy con đúng, trong đó có việc khen chê phù hợp, đúng cách thì con cái mới mau khôn lớn và trưởng thành.

Văn Hà


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Ana nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng ngành Y tế huyện Krông Ana đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân, nhất là đối với tuyến y tế cơ sở.