Multimedia Đọc Báo in

Huyện Lắk: Y tế cơ sở thiếu nhân lực, vật lực

08:22, 13/05/2025

Ngành y tế huyện Lắk hiện vẫn gặp nhiều khó khăn trong thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ do thiếu cả nhân lực và vật lực.

Bác sĩ Lê Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Lắk cho hay, Trung tâm hiện có 3 phòng chức năng, 7 khoa chuyên môn, quản lý 11 trạm y tế xã, thị trấn với hơn 240 cán bộ, nhân viên, y bác sĩ.

TTYT huyện Lắk hiện được giao chỉ tiêu 120 giường bệnh, tuy nhiên, trung bình mỗi ngày Trung tâm tiếp nhận khoảng 170 - 200 lượt người khám bệnh, trong đó bệnh nhân lưu trú chỉ đạt 50 - 70 giường/ngày, công suất sử dụng giường bệnh mới đạt khoảng 50% chỉ tiêu được giao.

Thăm khám sức khỏe cho bệnh nhân điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Lắk.

Sở dĩ có tình trạng trống giường bệnh như trên là bởi một bộ phận người dân có điều kiện kinh tế ổn định thì khám chữa bệnh theo các gói dịch vụ chất lượng cao tại các bệnh viện tư nhân, tuyến tỉnh, tuyến Trung ương; bộ phận dân cư còn lại đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế khó khăn thì chưa quan tâm đúng mức đến chăm sóc sức khỏe, chỉ khi có dấu hiệu bệnh rõ ràng hoặc bệnh chuyển nặng mới nhập viện điều trị, hoặc điều trị trong tình trạng cấp cứu phải chuyển tuyến.

Bên cạnh đó, TTYT huyện Lắk vẫn chưa thực hiện được nhiều kỹ thuật chuyên sâu, kỹ thuật cao. Lý giải về vấn đề này, bác sĩ Lê Mạnh Hùng cho biết, trang thiết bị máy móc để thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu đơn vị đã đăng ký đấu thầu mua sắm tập trung vài năm trở lại đây nhưng chưa thực hiện được. Đây cũng là tình trạng chung của ngành y tế khi những quy định của pháp luật về đấu thầu thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế được ban hành trong thời gian qua có nhiều điểm mới, các đơn vị vẫn chưa nắm bắt hết để vận dụng vào mua sắm.

Năm 2024, TTYT huyện Lắk đã triển khai thực hiện 10 gói thầu gồm 3 gói thầu thuốc thuộc cấp quốc gia, 1 gói thầu thuốc thuộc đấu thầu cấp địa phương và 6 gói thầu thuộc cấp cơ sở. Dù đã có sự chủ động trong cung ứng thuốc điều trị cho bệnh nhân nhưng vẫn còn tình trạng thiếu cục bộ, nhất là ở giai đoạn chuyển giao đấu thầu giữa hai năm liên tiếp. Đơn cử như chương trình bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng tại huyện Lắk. Tổng số bệnh nhân tâm thần được quản lý điều trị tại Trung tâm là hơn 400 người, song số bệnh nhân dùng thuốc chỉ đạt gần 50%. Nguyên nhân là do công tác cung ứng thuốc còn thiếu và không phù hợp với các thể bệnh nên bệnh nhân đến điều trị tại các cơ sở giảm, dẫn đến số bệnh nhân dùng thuốc theo đúng phác đồ điều trị giảm, người dân chủ yếu nhận thuốc tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh.

Khám sàng lọc bệnh cho bệnh nhi khám bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Lắk.

Ngoài khó khăn nói trên, nguồn nhân lực thực hiện công tác khám chữa bệnh về số lượng cơ bản đã đáp ứng nhưng chất lượng chưa sâu. Bác sĩ Lê Mạnh Hùng nêu ví dụ, hiện nay một bác sĩ đa khoa có thể điều động linh hoạt từ khoa này sang khoa khác để hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ nhưng bác sĩ chuyên khoa thì không thể điều động. Chẳng hạn như bác sĩ khoa ngoại không thể điều sang khoa nội, phẫu thuật thì phải có bác sĩ gây mê. Vừa qua, TTYT huyện Lắk đã được bổ sung bác sĩ chuyên khoa I gây mê, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cần đồng bộ ê kíp đi kèm về chuyên môn nên Trung tâm đã cử các bác sĩ tiếp tục học tập, bồi dưỡng thêm.

Mặt khác, tình trạng "chảy máu chất xám" từ công sang tư trong lĩnh vực y tế cũng là nguyên nhân khiến nguồn nhân lực của Trung tâm vốn đã hạn chế lại càng thêm thiếu hụt. Từ năm 2019 đến nay, TTYT huyện Lắk có 8 nhân viên nghỉ việc, chuyển công tác, trong đó có 3 bác sĩ. Nguyên nhân chủ yếu là sau đại dịch COVID-19, áp lực công việc với nhân viên y tế, y bác sĩ quá lớn, họ phải đối diện nhiều khó khăn, nguy hiểm nhưng chế độ hỗ trợ chưa kịp thời, chưa phù hợp. Việc thiếu nhân lực dẫn đến khó khăn trong bố trí người trực, phối hợp cấp cứu bệnh nhân...

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Ngọt ngào câu ví, giặm
Với người dân xứ Nghệ (Nghệ An - Hà Tĩnh), dù xa quê hương lập nghiệp nơi miền đất mới nhưng họ vẫn không thể quên được làn điệu dân ca ví, giặm. Bởi đó chính là "máu thịt" gắn bó với đời sống của mỗi người, chất chứa tình cảm, cốt cách tâm hồn người xứ Nghệ…