Multimedia Đọc Báo in

Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát: Chạy đua với thời gian, "về đích" bằng chất lượng

07:13, 15/07/2025

68 xã, phường khu vực phía Tây tỉnh Đắk Lắk đang bước vào giai đoạn nước rút để hoàn thành mục tiêu xây dựng, sửa chữa 7.247 căn nhà cho gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo trước ngày 30/8/2025.

Dù "chạy đua" với thời gian, nhưng việc đảm bảo chất lượng được ưu tiên hàng đầu, là thước đo thành công của cả chương trình.

Thay đổi thích ứng kịp thời

Thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, sau khi sắp xếp UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương kiện toàn ban chỉ đạo (BCĐ) xóa nhà tạm, nhà dột nát các cấp để phù hợp với mô hình mới. Đồng thời, quyết liệt triển khai Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát với tinh thần 6 "rõ" (rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả) và 4 "thật" (nói thật, làm thật, hiệu quả thật, người dân thụ hưởng thật).

Trên cơ sở đó, các địa phương nhanh chóng triển khai công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đồng bộ, quyết liệt. BCĐ các xã, phường được kiện toàn với sự tham gia của đại diện đảng ủy, UBND, lực lượng công an, ủy ban MTTQ Việt Nam. Các thành viên BCĐ xã, phường không quản ngại khó khăn, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” nắm bắt tình hình, lắng nghe ý kiến của người dân, kịp thời giải quyết vướng mắc phát sinh.

Căn nhà mới vừa hoàn thiện tặng gia đình chị H Phon Byă ở xã Buôn Đôn.

Theo số liệu của 68 xã, phường khu vực phía Tây tỉnh Đắk Lắk, đến ngày 14/7 đã khởi công xây dựng 6.375 căn nhà theo Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, đạt 87,97% kế hoạch. Trong đó, có 5.235 căn xây mới, 1.140 căn sửa chữa; có 3.874 căn hoàn thành (gồm 2.903 căn xây mới, 971 căn sửa chữa). Đáng ghi nhận, biểu dương, có 17 xã, phường hoàn thành 100% kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát, gồm: xã Ea Ktur, Vụ Bổn, Ea Kly, Pơng Drang, Krông Búk, Krông Pắc, Tân Tiến, Ea H’leo, Ea Drăng, Quảng Phú, Hòa Phú, Ea Păl, Yang Mao, Krông Ana và các phường Buôn Ma Thuột, Ea Kao, Cư Bao.

Có được kết quả này là nhờ sự chủ động, linh hoạt của chính quyền cơ sở, nhiều xã, phường triển khai những cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Đơn cử, tại xã Cư Pơng, Đoàn Thanh niên xã thành lập Đội hình thanh niên tình nguyện xóa nhà tạm, nhà dột nát, huy động lực lượng hỗ trợ ngày công xây dựng nhà ở miễn phí cho các hộ khó khăn.

Về phía cấp ủy, có những chỉ đạo quyết liệt, sát sao, đưa xóa nhà tạm, nhà dột nát thành nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Đồng chí Nguyễn Hải Đông, Bí thư Đảng ủy xã Pơng Drang, một trong những địa phương hoàn thành chương trình này cho biết:  “Với tinh thần ai có gì giúp nấy, ai có công giúp công, ai có của giúp của, chúng tôi huy động mọi nguồn lực để thực hiện thành công mục tiêu. Mỗi ngôi nhà phải đảm bảo an toàn, chất lượng, có khả năng chống chịu thiên tai, phù hợp bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững”.

Siết chặt từ khâu vật liệu đến giám sát thi công

Chiếm hơn 50% trong tổng số nhà ở tại các địa phương phía Tây tỉnh Đắk Lắk thuộc Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát (Đề án 241) do Công an tỉnh chủ công. Theo Đề án 241, toàn tỉnh sẽ xây mới 4.285 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, với mức hỗ trợ 80 triệu đồng/căn (trong đó 60 triệu đồng do Trung ương hỗ trợ, 20 triệu đồng từ ngân sách tỉnh).

Ngay từ đầu thực hiện, Công an tỉnh đã chủ động phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài chính khảo sát, lập dự toán và tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ triển khai thực hiện Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh với sự tham gia của 42 nhà thầu và doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng.

Mục tiêu là tháo gỡ các khó khăn về giá cả, đảm bảo nguồn cung ổn định, góp phần rút ngắn tiến độ và nâng cao chất lượng công trình.

Cùng với đó, nhiều buổi thảo luận kỹ thuật cũng được tổ chức nhằm thống nhất phương pháp thi công, phổ biến quy định về an toàn lao động, hướng dẫn giải pháp chống thấm, chống nóng phù hợp với điều kiện khí hậu đặc thù của địa phương.

Phòng Hậu cần (Công an tỉnh) phối hợp với công an các xã kiểm tra vật liệu xây dựng nhà ở cho người nghèo tại xã biên giới.

Ông Lê Văn Luân, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ vận tải Lê Nguyên Phát (đơn vị nhận thầu 46 căn nhà tại 3 xã Ea Nuôl, Ea Wer, Buôn Đôn) chia sẻ: “Với định mức kinh phí 80 triệu đồng/căn phải đảm bảo tiêu chí "3 cứng" (nền cứng, khung cứng, mái cứng) trong bối cảnh giá vật liệu leo thang, chúng tôi đã tính toán nhiều phương án như chủ động mua vật liệu giá gốc từ đơn vị cung ứng, dùng xe của công ty vận chuyển, ưu tiên thuê nhân công tại chỗ để giảm chi phí, tập trung tối đa kinh phí cho chất lượng căn nhà. Quá trình thi công luôn có cán bộ công an và chính quyền địa phương giám sát, kiểm tra từng hạng mục, từ móng, cột, tường đến mái”.

Không chỉ giám sát nhà thầu, lực lượng công an các xã, phường còn đặc biệt chú trọng khâu kiểm soát chất lượng vật liệu xây dựng. Thượng tá Lê Thanh Tuân, Trưởng Công an xã Buôn Đôn cho hay: “Công an xã phối hợp với Phòng Hậu cần (Công an tỉnh) và đơn vị thi công xây dựng quy trình kiểm tra vật liệu chặt chẽ. Tất cả các lô cát, xi măng, sắt, gạch… trước khi đưa vào sử dụng đều phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, chứng nhận chất lượng. Chúng tôi còn tiến hành kiểm tra đột xuất tại nơi thi công để đảm bảo đúng chủng loại, đúng tiêu chuẩn kỹ thuật”.

Đến nay, Đề án 241 tại 68 xã, phường phía Tây tỉnh Đắk Lắk đã khởi công xây mới 4.158 căn nhà; trong đó bàn giao 2.175 căn.Với sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm và những giải pháp đồng bộ, Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo ở các địa phương phía Tây tỉnh Đắk Lắk đang từng bước đạt được mục tiêu đề ra, mang lại niềm vui an cư cho hàng nghìn hộ khó khăn. Riêng các xã, phường phía Đông tỉnh Đắk Lắk (tỉnh Phú Yên cũ) đã hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trước khi hợp nhất tỉnh.

Hoàng Ân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Bác sĩ của ... voi
Ở Đắk Lắk, có những bác sĩ không làm việc trong bệnh viện mà gắn bó với rừng, với buôn làng để chăm sóc những “bệnh nhân” khổng lồ là những con voi nhà. Công việc của họ thầm lặng nhưng đầy gian nan, góp phần bảo vệ một loài vật quý đang đứng bên bờ tuyệt chủng.