Multimedia Đọc Báo in

Miễn phí viện phí toàn dân: Một chính sách “chạm” triệu trái tim

08:01, 21/05/2025

“Thống nhất thực hiện chủ trương khám sức khỏe định kỳ cho nhân dân ít nhất mỗi năm một lần, tiến tới miễn viện phí toàn dân vào giai đoạn từ 2030 – 2035” là những quyết sách chiến lược được Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo toàn ngành y tế quyết tâm thực hiện, hướng đến mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam khỏe mạnh.

Chính sách vì dân

Mới đây, tại buổi làm việc với đại diện Đảng ủy Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương về đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết của Trung ương về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và định hướng công tác thời gian tới, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội, là nền tảng quan trọng nhất cho hạnh phúc của mọi người và sự phát triển của quốc gia. Vì vậy, đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân là đầu tư cho sự phát triển của đất nước.

Từ những yêu cầu đó, những quyết sách chiến lược tạo đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đã được Tổng Bí thư Tô Lâm đề ra là chủ trương khám sức khỏe định kỳ cho nhân dân ít nhất mỗi năm một lần và xây dựng đề án với lộ trình từng bước giảm gánh nặng chi phí y tế cho người dân, tiến tới miễn viện phí toàn dân vào giai đoạn 2030 - 2035.

Một bệnh nhân bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông, chi phí điều trị vượt quá khả năng chi trả của gia đình. 

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Văn Thuấn, việc thực hiện chủ trương này sẽ có tác động tích cực trong tiếp cận dịch vụ y tế, chủ động phòng, chẩn đoán, phát hiện và điều trị sớm bệnh tật, tăng hiệu quả điều trị, sử dụng tối ưu nguồn tài chính y tế, giảm gánh nặng tài chính cho người dân, tạo cơ hội thoát nghèo, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực.

Về định hướng, từ 2026 - 2030, có 90% người dân được tiếp cận đầy đủ dịch vụ dự phòng bệnh tật, nâng cao sức khỏe, tiêm chủng vắc xin đầy đủ theo độ tuổi, đối tượng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe tâm thần, y tế học đường, sàng lọc nguy cơ sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ, quản lý bệnh mạn tính, khám bệnh, chữa bệnh đa khoa tổng quát, y học gia đình ngay từ y tế cơ sở. 100% người dân được khám sức khỏe định kỳ ít nhất mỗi năm một lần.

 

"Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân cần hướng đến mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam khỏe mạnh, mọi người dân đều được sống lâu, sống khỏe, sống lành mạnh, sống hạnh phúc” - Tổng Bí thư Tô Lâm.

Người dân được lập sổ sức khỏe điện tử để quản lý sức khỏe trong suốt vòng đời, được sống trong môi trường xanh, sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm, chế độ dinh dưỡng hợp lý; người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế được quan tâm, chăm sóc xã hội; nguồn tài chính cho chăm sóc sức khỏe nhân dân được bảo đảm. Ngân sách nhà nước tăng hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế để phấn đấu 100% dân số có bảo hiểm y tế.

Tiếng nói từ thực tiễn

Những năm qua, hệ thống y tế của tỉnh Đắk Lắk từ tỉnh đến cơ sở ngày càng phát triển, mạng lưới bệnh viện, trung tâm y tế đang từng bước được củng cố từ nguồn ngân sách nhà nước, huy động nguồn xã hội hóa và các dự án viện trợ nước ngoài. Toàn tỉnh hiện có hơn 5.000 giường bệnh; tỷ lệ 29 giường bệnh/vạn dân, tỷ lệ 8,3 bác sĩ/vạn dân; 100% xã có trạm y tế, trong đó có 92,9% trạm y tế có bác sĩ phục vụ.

Tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, hằng năm, bệnh viện tiếp nhận điều trị nội trú hơn 100.000 lượt bệnh nhân, khám ngoại trú hơn 400.000 lượt bệnh nhân. Hàng nghìn kỹ thuật, dịch vụ tiên tiến đã được triển khai để kịp thời cứu sống người bệnh. Tuy nhiên, viện phí hiện vẫn là gánh nặng với rất nhiều người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là người nghèo, người dân tộc thiểu số.

Phẫu thuật gãy liên mấu chuyển xương đùi cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Bác sĩ CKII Huỳnh Như Đồng, Trưởng Khoa Ngoại thần kinh (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) cho hay, thực tiễn từ công tác khám chữa bệnh, nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch, để bảo toàn sự sống phải được phẫu thuật gấp và đó đều là những phẫu thuật đòi hỏi kỹ thuật cao, chi phí điều trị cho người bệnh rất tốn kém. Trong khi đó, không phải bệnh nhân nào cũng tham gia bảo hiểm y tế, chưa kể đến các chi phí phát sinh trong khám chữa bệnh, dịch vụ y tế mà bảo hiểm y tế không chi trả hoặc chỉ chi trả một phần. Từ đó cho thấy, chính sách miễn viện phí toàn dân rất nhân văn, là "phao cứu sinh" cho người bệnh, giúp người dân chủ động khám sức khỏe từ sớm, phòng bệnh từ xa, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

Hay tin Đảng, Nhà nước sẽ tiến tới miễn viện phí toàn dân, ông Nguyễn Mạnh Hùng (65 tuổi, xã Ea Ngai, huyện Krông Búk) không giấu được niềm vui. “Nhiều năm liền tôi phải chống chọi với căn bệnh suy gan, suy thận, không lao động được, chi phí để điều trị bệnh và duy trì sự sống của tôi khiến kinh tế gia đình cạn kiệt. Chính sách miễn viện phí và khám sức khỏe định kỳ cho người dân giúp tôi có thêm hy vọng và động lực để tiếp tục chiến đấu với bệnh tật. Với những người nghèo khó, những người không may mắc bệnh hiểm nghèo, chính sách này góp phần tạo sự bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ y tế. Mong rằng, chính sách sẽ được triển khai một cách bài bản và sớm trở thành hiện thực”- ông Hùng kỳ vọng.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng tổ chức các sự kiện lớn của tỉnh
Sáng 21/5, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10/3/1975 - 10/3/2025) và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 tổ chức Hội nghị tổng kết các các hoạt động kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025.