Multimedia Đọc Báo in

Văn hóa Cơ Tu - dấu xưa còn đó

08:01, 13/07/2025

Cộng đồng dân tộc Cơ Tu sinh sống tập trung ở tỉnh Quảng Nam cũ (nay là TP. Đà Nẵng) có nền văn hóa truyền thống rất đa dạng, phong phú với nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như kiến trúc, điêu khắc, nghề thủ công cổ truyền, âm nhạc, diễn xướng, lễ hội dân gian, văn hóa ẩm thực... đặc sắc.

Chính vì vậy, văn hóa Cơ Tu là đối tượng nghiên cứu của nhiều nhà nhân học, các nhà nghiên cứu, sưu tầm, các nhà bảo tàng học...

Nhà nghiên cứu văn hóa để lại cho đời sau nhiều trang viết, bản vẽ và bức ảnh quý giá về dân tộc Cơ Tu, đầu tiên phải kể đến là Le Pichon. Ông nguyên là sĩ quan người Pháp được cử làm Đồn trưởng đồn Bến Hiên từ những năm 1930. Tác phẩm “Những kẻ săn máu” của Le Pichon đăng trên Tạp chí “Những người bạn Huế” là công trình nghiên cứu đầu tiên khảo cứu về người Cơ Tu ở Việt Nam, thể hiện sự khám phá đầy đam mê trước một nền văn hóa khá lạ lẫm.

Le Pichon viết về nhà làng như sau: “Làng Cơ Tu nào cũng có một nhà gươl. Nó được dựng lên bằng công sức của mọi nhà và mọi đàn ông trong làng đều chung tay làm ngôi nhà chung đó. Đó là nơi hội họp của hội đồng già làng, nơi ngủ của các chàng trai và bô lão trong làng. Đàn bà và con gái không được vào nhà gươl. Đó cũng là chốn linh thiêng, nơi hồn tổ tiên, những người có cái chết tốt trú ngụ”. Đặc biệt, tác giả khắc họa rất sâu sắc về nghệ thuật tạo hình của người Cơ Tu. Những hoa văn, bức tượng, phù điêu được sáng tạo làm đẹp cho ngôi nhà làng. Những mô típ trang trí trên nóc nhà gươl được hệ thống khá chi tiết, đầy đủ và khoa học. Tác giả trưng ra một bộ sưu tập khá đặc sắc về tượng ma thuật và mặt nạ gỗ. Le Pichon nhận xét: “Nhà mồ (ping) và quan tài (tăram) mới thật là những kiệt tác của người Cơ Tu. Chúng được trang trí nhiều hình vẽ, hình khắc cách điệu cực kỳ đa dạng”.

Người lính khố xanh bên nhà Cơ Tu. Ảnh tư liệu

Đáng quý nhất là tác giả đã cung cấp cho chúng ta một bộ sưu tập ảnh đen trắng miêu tả đời sống sản xuất, sinh hoạt, lễ hội, điêu khắc, trang phục, trang sức, nhà mồ... của cộng đồng Cơ Tu cách nay gần 90 năm. Qua đó, người nghiên cứu, nhất là đồng bào Cơ Tu nhận diện những di sản quá khứ của dân tộc mình, thấy được những biến đổi, nay còn cái gì còn được bảo lưu, cái gì đã mất.

Những loại hình trang phục truyền thống Cơ Tu trong ảnh của Le Pichon mang nét cổ sơ, nhất là khố, tấm choàng, váy, yếm... Ngày nay, những trang phục đó không mất đi mà còn được sáng tạo thêm, phong phú và đẹp hơn. Kiểu dáng, màu sắc, hoa văn... ngày nay đa dạng, bắt mắt hơn xưa. Điều đó cho thấy trang phục Cơ Tu kế thừa, phát triển trên nền truyền thống, không bị đứt đoạn, mất mát. Những món trang sức như vòng đồng đeo chân, đeo tay, chuỗi cườm, chuỗi hạt mã não, nanh thú... thời xưa nay vẫn được đồng bào chưng diện trong các dịp lễ hội.

Những tác phẩm điêu khắc như người đàn bà múa, người ngậm tẩu thuốc, tượng các con vật như chim tring, rùa, kỳ đà, mặt nạ gỗ... trang trí ở nhà làng; mô típ hoa văn và tượng đầu trâu trang trí trên nắp quan tài... từng được Le Pichon miêu tả một cách đắm say và đầy cảm xúc trong tác phẩm “Những kẻ săn máu” thì ngày nay nghệ thuật ấy vẫn đang “sống” ở các bản làng Cơ Tu. Lễ hội và vũ điệu Cơ Tu cũng được Le Pichon dành cho những trang viết súc tích và những bức ảnh rõ nét, sinh động. Điệu chiêng và nhịp trống Cơ Tu hôm nay vẫn rộn ràng, cuốn hút gái trai trong vũ điệu Tân tung da dá. Điệu múa này đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nghệ nhân Ưu tú Kêr Tíc phục chế bức tượng gỗ dựa trên nguyên mẫu ảnh tư liệu của Le Pichon.

Ngoài tác giả Le Pichon, một số nhà nhân học khác cũng quan tâm nghiên cứu, sưu tầm về văn hóa truyền thống của dân tộc Cơ Tu. Tiêu biểu là học giả Josué Hoffet có bộ sưu tập ảnh về người Cơ Tu ở An Điềm vào những năm 1930. Nổi bật trong bộ sưu tập này là kiến trúc nhà ở, nhà mồ, sinh hoạt đời thường của đồng bào Cơ Tu. Mái nhà tranh vút cao vẫn còn “giữ dáng” đến tận bây giờ. Đặc biệt là ngôi nhà mồ với quan tài đầu trâu, chạm khắc công phu trên nóc, bố cục nhịp nhàng trên mái, đòn tay hình rau dớn... là điểm nhấn trong kiến trúc liên quan đến văn hóa tâm linh của tộc người. Bên cạnh đó, có một vài bức ảnh quý giá nhưng không rõ tác giả, như bức ảnh chụp vào những năm 1920 khá sắc nét miêu tả người lính khố xanh đứng bên cạnh ngôi nhà mồ có kiến trúc và chiếc quan tài được trang trí hoa văn khá ấn tượng. Đây có thể là một trong những bức ảnh sớm nhất về dân tộc Cơ Tu.

Những bộ sưu tập hình ảnh nói trên là “di sản tư liệu” quý giá. Dựa vào đó, một số nghệ nhân Cơ Tu, tiêu biểu như nghệ nhân Kêr Tíc (ở xã Hùng Sơn, TP. Đà Nẵng) đã phục chế nhiều bức tượng gỗ, mặt nạ trang trí tại ngôi nhà làng (gươl) và nhà mồ (ping) tại Làng Văn hóa về nguồn (phường Hương Thủy, TP. Huế).

Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Bác sĩ của ... voi
Ở Đắk Lắk, có những bác sĩ không làm việc trong bệnh viện mà gắn bó với rừng, với buôn làng để chăm sóc những “bệnh nhân” khổng lồ là những con voi nhà. Công việc của họ thầm lặng nhưng đầy gian nan, góp phần bảo vệ một loài vật quý đang đứng bên bờ tuyệt chủng.