Vang danh trên Bản đồ cà phê thế giới
Là sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế tỉnh, cà phê của Đắk Lắk đã xuất khẩu đến nhiều quốc gia, kể cả những thị trường khó tính và giữ vững vị trí là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu, ngày càng khẳng định được vị trí trên bản đồ cà phê thế giới.
Khẳng định thương hiệu
"Bén duyên" với vùng đất Đắk Lắk từ những năm đầu của thế kỷ 19, trải qua nhiều biến động lịch sử, Cà phê Buôn Ma Thuột đã trở thành thương hiệu mang tầm quốc tế. Những năm gần đây, hoạt động quảng bá gắn với chỉ dẫn địa lý đã được triển khai tạo nên thế mạnh cho Cà phê Buôn Ma Thuột và Đắk Lắk.
Đến nay, Cà phê Buôn Ma Thuột đã đạt được các tiêu chuẩn nông sản sạch và xuất được sang những thị trường khó tính nhất. Từ đó góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia thuộc nhóm xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới.
![]() |
Chế biến cà phê tại nhà máy của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk. |
Trong những năm qua, hoạt động xuất khẩu cà phê đã trở thành điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Giai đoạn 2020 - 2024, Đắk Lắk xuất khẩu hơn 1,4 triệu tấn cà phê (chiếm 18,1% cà phê xuất khẩu cả nước), kim ngạch xuất khẩu đạt gần 3,4 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu chủ yếu vẫn là Đức, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Italia, Mỹ... Đồng thời, xúc tiến khai thác những thị trường mới có nhiều tiềm năng ở các khu vực Mỹ Latinh, Trung Đông, châu Phi và tận dụng các hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu vào những thị trường lớn như Liên minh châu Âu (EU), ASEAN, Đông Bắc Á, châu Đại Dương...
Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Nhiệm cho biết, cà phê của Đắk Lắk đóng vai trò quan trọng trong việc đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới (sau Brazil) và dẫn đầu toàn cầu về xuất khẩu cà phê Robusta. Xuất khẩu cà phê đã khẳng định được vị thế, sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới. Riêng sản phẩm cà phê của Đắk Lắk đã thâm nhập vào hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường nổi tiếng khó tính như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... Đặc biệt, các sản phẩm cà phê rang xay nguyên chất, cà phê sử dụng công nghệ tiên tiến như sấy thăng hoa, ủ lạnh... được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Chủ tịch Hiệp hội Hữu nghị Malaysia - Việt Nam Trần Thị Chang chia sẻ, Buôn Ma Thuột - "thủ phủ" cà phê của Việt Nam không chỉ là niềm tự hào của ngành cà phê trong nước mà còn là điểm đến quan trọng trên bản đồ cà phê thế giới. Malaysia là quốc gia có văn hóa cà phê phong phú, với nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng. Đặc biệt, xu hướng tiêu dùng cà phê nguyên chất, cà phê pha lạnh và các sản phẩm hòa tan cao cấp đang phát triển mạnh mẽ.
Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) cà phê Việt Nam có thể khai thác mạnh mẽ và tiếp cận sâu hơn vào thị trường Malaysia. Hiện, Việt Nam đang là nhà xuất khẩu cà phê lớn thứ hai vào Malaysia. Malaysia không chỉ là thị trường tiêu dùng mà còn là cửa ngõ để đưa cà phê Việt Nam ra thế giới. Nếu DN Việt Nam có thể đáp ứng tiêu chuẩn Halal (điều kiện xuất khẩu vào nước Hồi giáo), sản phẩm cà phê không chỉ dễ dàng tiếp cận với hơn 60% dân số Malaysia là người Hồi giáo mà còn có cơ hội thâm nhập vào các thị trường lớn như Indonesia, Brunei, Trung Đông và Bắc Phi.
Để cà phê vươn xa
Nhận định cà phê vẫn là ngành hàng chủ lực của tỉnh, với nhu cầu của thị trường ngày càng cao nên Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Daklak) đang tập trung vào liên kết chuỗi, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhằm bảo đảm sản lượng ổn định, chất lượng cao và hiệu suất vượt trội.
Simexco Daklak đã hoàn thiện chuỗi cung ứng bền vững bằng cách số hóa bản đồ 40.000 nông hộ trên diện tích 50.000 ha (chiếm 20% diện tích cà phê toàn tỉnh Đắk Lắk). Chuỗi cung ứng này đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc và minh bạch theo Quy định về chống phá rừng của EU (EUDR) sẽ áp dụng từ ngày 1/1/2026.
Mới đây Simexco Daklak đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Highlands Coffee - chuỗi cửa hàng kinh doanh cà phê và các loại đồ ăn nhanh của Việt Nam, đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai DN trong chuỗi giá trị cà phê Robusta Việt Nam.
![]() |
Tổng Giám đốc Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) Vanusia Nogueira (bên trái) tìm hiểu về các sản phẩm cà phê của doanh nghiệp Đắk Lắk tại Hội nghị giao thương quốc tế - Kết nối, nâng tầm cà phê Việt. |
Theo Chủ tịch Simexco Daklak Lê Đức Huy, chỉ khi có sự liên kết chặt chẽ từ vùng nguyên liệu đến chế biến và tiêu dùng cuối cùng, chuỗi giá trị cà phê mới có thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, truy xuất nguồn gốc và phát triển bền vững.
Đây là bước đi mang nhiều ý nghĩa, không chỉ phản ánh cam kết phát triển bền vững mà còn mở ra cơ hội nâng tầm cà phê Robusta Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới. Sự hợp tác này cũng thể hiện DN Việt Nam không chỉ chủ động ứng phó trước các biến động toàn cầu, mà còn đang từng bước khẳng định vai trò là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng nông sản – thực phẩm thế giới.
Việc đầu tư vào vùng nguyên liệu, công nghệ chế biến và liên kết thị trường là nền tảng để hiện thực hóa mục tiêu trở thành “bếp ăn của thế giới”. Đây là bước tiến quan trọng trong hành trình khẳng định cà phê Việt không chỉ là sản phẩm xuất khẩu thô, mà là một biểu tượng văn hóa và chất lượng, sánh vai cùng các quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu thế giới.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường từng khẳng định, Cà phê Buôn Ma Thuột đã có chỗ đứng khá vững chắc trên thị trường cà phê thế giới nhưng như thế vẫn chưa đủ vì con đường phía trước còn dài. Do đó, quy hoạch tổng thể phát triển Cà phê Buôn Ma Thuột là việc làm rất cần thiết. Bài toán quy hoạch phải được xem xét kết hợp bốn yếu tố: cảnh quan, văn hóa, cà phê hảo hạng, du lịch trải nghiệm. Những vấn đề khác như mô hình canh tác, quan hệ sản xuất, quảng bá thương hiệu cũng cần nghiên cứu phát triển đồng thời.
Từ những lợi thế về điều kiện tự nhiên, chất lượng nông sản và sự định hướng chiến lược của tỉnh, Đắk Lắk được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu, nâng cao giá trị sản phẩm, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và khẳng định vững chắc vị thế trên bản đồ xuất khẩu nông sản thế giới.
Đắk Lắk được xem là "thủ phủ" cà phê của Việt Nam bởi diện tích và sản lượng đứng đầu cả nước, chiếm khoảng 30%. Niên vụ 2023 - 2024, toàn tỉnh có trên 212.000 ha cà phê, sản lượng đạt trên 535.000 tấn. Trong đó số lượng xuất khẩu 264.404 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 915,8 triệu USD. |
Khả Lê – Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc