Nghị quyết số 66-NQ/TW: Bản thiết kế chiến lược để tái cấu trúc nền tảng thể chế quốc gia
Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần chỉ rõ ba điểm nghẽn lớn nhất hiện nay đối với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước là thể chế, hạ tầng và nhân lực, trong đó, thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”.
Khẳng định quyết tâm tháo gỡ “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, hiện thực hóa khát vọng đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, phát triển, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 về “Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”.
Tư duy toàn diện về xây dựng và thi hành pháp luật
Tư duy, nhận thức lý luận về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được Đảng và Nhà nước không ngừng hoàn thiện. Tuy nhiên, trên thực tế công tác xây dựng và thi hành pháp luật còn nhiều hạn chế, bất cập. Để đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới, cùng với việc thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, phấn đấu tăng trưởng kinh tế “hai con số”, công tác xây dựng và thi hành pháp luật phải được thay đổi căn bản, tạo động lực mạnh mẽ cho đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Theo đó, Nghị quyết số 66-NQ/TW khẳng định quan điểm bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành pháp luật. Tăng cường kiểm soát quyền lực; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; phòng ngừa, ngăn chặn mọi biểu hiện trục lợi, hướng lái chính sách.
![]() |
Các đại biểu tham dự Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66 và Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị. Ảnh: VGP |
Công tác xây dựng và thi hành pháp luật được xác định là “đột phá của đột phá” trong hoàn thiện thể chế phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; là một nhiệm vụ trọng tâm của tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Xây dựng pháp luật phải bám sát thực tiễn, “đứng trên mảnh đất thực tiễn của Việt Nam”, tiếp thu có chọn lọc giá trị tinh hoa của nhân loại, bảo đảm tính hệ thống, nắm bắt mọi cơ hội, mở đường, khơi thông mọi nguồn lực, đưa thể chế, pháp luật trở thành lợi thế cạnh tranh, nền tảng vững chắc, động lực mạnh mẽ cho phát triển, tạo dư địa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế “hai con số”, nâng cao đời sống của nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước.
Một quan điểm đáng chú ý trong nghị quyết này là đầu tư cho công tác xây dựng chính sách, pháp luật được xác định là đầu tư cho phát triển. Nhà nước bảo đảm và ưu tiên nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi số và có chế độ, chính sách đặc thù, vượt trội cho công tác nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật và đội ngũ cán bộ thực hiện các nhiệm vụ này.
Hoạch định những nhiệm vụ, giải pháp chiến lược
Trên cơ sở quan điểm chỉ đạo có nhiều đổi mới, 7 nhiệm vụ, giải pháp lớn đã được Nghị quyết số 66-NQ/TW xác định để tạo đột phá thể chế, pháp luật đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Nghị quyết số 66-NQ/TW đã hoạch định những đích ngắm mục tiêu cụ thể trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật. Cụ thể: năm 2025, cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” do quy định pháp luật. Năm 2027, hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản pháp luật bảo đảm cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của bộ máy nhà nước theo mô hình chính quyền ba cấp. Năm 2028, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, góp phần đưa môi trường đầu tư của Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam có hệ thống pháp luật chất lượng cao, hiện đại, tiệm cận chuẩn mực, thông lệ quốc tế tiên tiến và phù hợp với thực tiễn đất nước. |
Một là, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật, phát huy cao độ tính Đảng trong xây dựng và thi hành pháp luật. Các cấp ủy địa phương quan tâm phân công cấp ủy viên phụ trách công tác tư pháp và cơ cấu giám đốc sở tư pháp tham gia cấp ủy cấp tỉnh; có cơ chế điều động, luân chuyển cán bộ, công chức của bộ, ngành tư pháp đi địa phương và làm việc ở bộ, ngành Trung ương để bổ sung kinh nghiệm thực tiễn.
Hai là, đổi mới tư duy, định hướng xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực phát triển. Đưa thể chế, pháp luật trở thành lợi thế cạnh tranh; dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”. Các quy định của luật phải mang tính ổn định, đơn giản, dễ thực hiện, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Triệt để cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh, hành nghề, thủ tục hành chính bất hợp lý; thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ổn định.
Ba là, tạo đột phá trong công tác thi hành pháp luật. Tập trung xây dựng pháp luật về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để hình thành các động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất mới. Thường xuyên đánh giá hiệu quả của pháp luật sau ban hành, xử lý tổng thể, đồng bộ, tháo gỡ nhanh nhất những “điểm nghẽn” có nguyên nhân từ quy định của pháp luật. Nghiêm cấm việc lợi dụng phòng, chống tham những, lãng phí, tiêu cực để trục lợi hoặc can thiệp, cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Không “hình sự hóa” các mối quan hệ kinh tế, hành chính, dân sự.
Bốn là, nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế, pháp luật quốc tế. Thực hiện cơ chế đặc biệt thu hút, xét tuyển, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ cao, có kinh nghiệm thực tiễn về pháp luật quốc tế và hợp tác quốc tế về pháp luật, giải quyết tranh chấp quốc tế; xây dựng chiến lược tăng cường sự hiện diện của các chuyên gia Việt Nam trong các tổ chức pháp lý quốc tế và cơ quan tài phán quốc tế.
Năm là, xây dựng giải pháp đột phá nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật. Thực hiện chính sách đặc thù, vượt trội, áp dụng chế độ thù lao, thuê khoán tương xứng để thu hút, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia các nhiệm vụ, hoạt động xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật. Có cơ chế, chính sách kéo dài thời gian công tác, không giữ chức vụ cho một số cán bộ, công chức đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định nhưng có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc về xây dựng pháp luật. Hỗ trợ hằng tháng bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng đối với người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật tại một số cơ quan, đơn vị.
![]() |
UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biến, quán triệt các luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua. Ảnh: Nguyễn Gia |
Sáu là, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật với việc ưu tiên nguồn lực xây dựng, phát triển hạ tầng công nghệ, áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá.
Bảy là, thực hiện cơ chế tài chính đặc biệt cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Bảo đảm chi cho công tác xây dựng pháp luật không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển. Thành lập Quỹ Hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật.
Thuận Thành
Ý kiến bạn đọc