Multimedia Đọc Báo in

Doanh nghiệp trong xu thế phát triển xanh

08:12, 13/05/2025

Sản xuất xanh đang là xu hướng phát triển bền vững được nhiều doanh nghiệp theo đuổi, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên trầm trọng như hiện nay.

Xanh hóa quy trình sản xuất

Sản xuất xanh là quy trình sản xuất mà từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra đều thân thiện với môi trường và không gây nguy hại cho sức khỏe con người. Đây cũng chính là xu thế tất yếu và là một mắt xích quan trọng trong việc hướng đến một nền kinh tế xanh và bền vững

Mô hình trồng nấm dưới mái năng lượng mặt trời theo hướng tuần hoàn của Công ty Cổ phần Thực phẩm xanh Thành Đồng (TP. Buôn Ma Thuột).
 

"Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước ta hiện nay, phát triển sản xuất theo hướng xanh, bền vững có đóng góp quan trọng, khẳng định bước đi vững chắc của nền kinh tế. Chính vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp cần không ngừng học hỏi nâng cao trình độ quản lý, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào hoạt động sản xuất kinh doanh; tích cực tham gia mạnh mẽ vào quá trình chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sản xuất xanh, bền vững”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Công Thái

Tham gia vào quá trình xanh hóa trong sản xuất, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN)  đã chú trọng hơn đến việc sử dụng nguồn nguyên vật liệu tự nhiên, nhiên liệu, hóa chất không gây độc hại; đầu tư dây chuyền máy móc, công nghệ, trang thiết bị sản xuất hiện đại theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Đồng thời, đầu tư các hệ thống năng lượng tái tạo để chủ động sử dụng năng lượng sạch bên cạnh những giải pháp tiết kiệm năng lượng điện, nước trong quá trình sản xuất… cũng như lắp đặt hệ thống quản lý chất lượng an toàn vệ sinh và hệ thống xử lý chất thải, hướng đến các tiêu chí sản xuất xanh, sạch.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nên các trang trại xanh, có phương án sản xuất khoa học, tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt; phát triển sản xuất gắn liền với tạo lập môi trường sinh thái bền vững, đa dạng sinh học. Điển hình như tại Công ty Cổ phần Thực phẩm xanh Thành Đồng (TP. Buôn Ma Thuột). Từ mục tiêu và định hướng đưa nền nông nghiệp sạch đến tay người tiêu dùng, công ty đã phát triển mô hình trồng nấm dưới mái năng lượng mặt trời theo hướng tuần hoàn với quy mô 6.000 m2.

Ông Đoàn Xuân Trường, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm xanh Thành Đồng chia sẻ, mô hình này không chỉ được chuyển giao công nghệ từ Viện Nghiên cứu và Phát triển nấm ăn, nấm dược liệu mà còn được cơ giới hóa và sử dụng các hệ thống tự động được quản lý bằng phần mềm cài đặt trên điện thoại.

Công ty đã đầu tư hệ thống nhà xưởng tuần hoàn với quy trình sản xuất được thiết kế một chiều, thống nhất từ khâu nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm đầu ra được tách biệt, bảo đảm môi trường sạch cho nấm sinh sôi, không bị nhiễm bệnh. Nguyên liệu làm nấm được lấy từ mùn cây cao su. Khu xử lý nguyên liệu, khu vực sản xuất và phòng nhân giống nấm, khu vực sản xuất phôi nấm… đều được đầu tư trang thiết bị hiện đại. Đặc biệt, công ty còn có khu xử lý bã thải sau nuôi trồng nấm thành phân bón cho vườn cây ăn trái trồng theo hướng hữu cơ.

Nhờ sự đầu tư bài bản về nhà xưởng, công nghệ và kỹ thuật, mô hình trồng nấm dưới mái năng lượng mặt trời của Công ty Cổ phần Thực phẩm xanh Thành Đồng đã đạt chứng nhận ISO 22.000 và VietGAP. Đặc biệt, mô hình đã cho lợi ích kép vì vừa có nguồn thu từ điện năng lượng mặt trời mái nhà, vừa có nguồn điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm chất lượng.

Mô hình trồng nấm dưới mái năng lượng mặt trời theo hướng tuần hoàn kết hợp trồng cây ăn trái của Công ty Cổ phần Thực phẩm xanh Thành Đồng (TP. Buôn Ma Thuột)

Hướng đến mục tiêu Net Zero

Không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện nay, sản xuất xanh đã lan tỏa sang các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại… mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Nhằm hướng đến mục tiêu Net Zero (phát thải ròng bằng 0), nhiều DN đã chủ động đầu tư dây chuyền sản xuất để chuyển dịch theo hướng xanh và bền vững.

Với dây chuyền được đầu tư hàng trăm tỷ đồng, các hoạt động trong sản xuất bia của Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Trung đều được sử dụng theo quy trình sạch hơn. Từ đó, tiết kiệm tối đa nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu đầu vào. Công ty còn sử dụng công nghệ tạo nhiệt hoàn toàn từ khí tự nhiên hóa lỏng, giúp giảm lượng phát thải ra môi trường.

Ông Huỳnh Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Trung cho biết, việc chuyển đổi xanh đã được đơn vị thực hiện cách đây hơn 10 năm, bắt đầu từ việc sản xuất sạch hơn, tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu đầu vào; tiếp đó là thực hiện tái chế chất thải, gia tăng các giải pháp xanh, số, tuần hoàn.

Công ty đã tận dụng nhiều hơn giá trị nguyên liệu, vật liệu, giảm chi phí, hạn chế tối đa chất thải, khí thải có hại ra môi trường theo quy định mới của Chính phủ và yêu cầu thị trường; hướng đến sản xuất bền vững, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải nhà kính và thực hiện trách nhiệm cộng đồng theo bộ tiêu chuẩn ESG (công cụ đánh giá và đo lường mức độ thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường và quản trị của DN).

Dây chuyền sản xuất bia tự động của Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Trung.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, việc cắt giảm phát thải, chuyển đổi sang các giải pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường hay làm mô hình kinh tế tuần hoàn là những giải pháp mà nhiều DN hiện nay tại Đắk Lắk đang áp dụng để sản xuất xanh. Đây cũng chính là tiêu chí để DN đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Để thúc đẩy sản xuất chuyển dịch theo hướng xanh và bền vững, ông Phan Ngọc Xin, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Đắk Lắk chia sẻ, trong thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với Sở Công Thương triển khai các giải pháp nhằm tạo điều kiện cho DN trên địa bàn tiếp cận với chuyển đổi xanh. Từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo ra các sản phẩm xanh, sạch để phục vụ xuất khẩu cũng như thị trường trong nước.

Bởi thực tế cho thấy, những mô hình sản xuất xanh tại Đắk Lắk không những giúp DN tiết kiệm được chi phí điện năng, hạ giá thành sản phẩm mà còn mở ra cơ hội để DN bước chân vào các thị trường khó tính, nhất là trong bối cảnh toàn cầu đang hướng tới tăng trưởng xanh bền vững.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc