Cây ca cao và bài học từ điệp khúc "trồng - chặt"
Ca cao là một trong năm loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao của Đắk Lắk, tuy nhiên loại cây này vẫn đang loay hoay tìm chỗ đứng vững chắc trong cơ cấu nông nghiệp của tỉnh.
Sự thăng trầm của cây ca cao không chỉ là câu chuyện kinh tế, mà còn là thước đo về tư duy sản xuất của người nông dân trước thực tế thị trường khắc nghiệt.
"Cơn lốc" thị trường quật ngã "niềm tin"
Cây ca cao du nhập và được trồng thử tại huyện Lắk từ Dự án phát triển ca cao bền vững tại các nông hộ do Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ thông qua tổ chức ACDI/VOCA từ năm 2007.
Dù không phải là loại cây trồng chủ lực nhưng thực tế cho thấy ca cao là cây công nghiệp phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở vùng bán sơn địa huyện Lắk.
Thành công của dự án là đã đưa giống cây ca cao có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp vào cơ cấu cây trồng nông nghiệp của địa phương, đặc biệt là đối với những vùng có đất xám bạc màu chưa xác định được cây trồng phù hợp như Yang Tao, Bông Krang, Đắk Phơi.
Đồng thời, giúp cải tạo vườn tạp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho các hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
![]() |
Vườn ca cao của hộ ông Y Đoan Êban (xã Yang Tao, huyện Lắk). |
Chỉ 5 năm đầu triển khai (2007 - 2011), dự án đã thu hút hơn 2.000 nông hộ tham gia, thành lập được 45 câu lạc bộ trồng ca cao và đã có hơn 240 ha ca cao được trồng thuần tại các nông hộ. Thời gian đầu, cây ca cao sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất khá cao. Những vườn cây trĩu quả đã nhen nhóm niềm tin về một cuộc sống ấm no hơn cho người dân vùng đất lúa này.
Thế nhưng, sự bấp bênh của thị trường, giá ca cao trượt dốc đã nhanh chóng dập tắt ngọn lửa nhiệt huyết ban đầu của người nông dân. Tư duy sản xuất ngắn hạn, quen với việc thấy cây nào có giá thì đổ xô trồng lại trỗi dậy. Những vườn ca cao không được chăm sóc, tái đầu tư dần trở nên xơ xác, rồi bị chặt bỏ không thương tiếc để nhường chỗ cho những cây trồng có giá hơn ở thời điểm đó. Thống kê cho thấy, từ hàng trăm héc-ta ban đầu, diện tích ca cao ở Lắk giờ chỉ còn lại vỏn vẹn 52 ha, trong đó có khoảng 37 ha thời kỳ kinh doanh, sản lượng năm 2024 đạt 92 tấn.
Câu chuyện buồn của ông Y Đoan Êban (buôn Yôk Đuôn, xã Yang Tao) là một minh chứng rõ nét. Năm 2009, gia đình ông Y Đoan được thụ hưởng từ Dự án phát triển ca cao bền vững tại các nông hộ, với diện tích 1 ha. Thế nhưng, nhiều năm liền, giá ca cao xuống thấp, khu vực đất rẫy lại không thuận tiện về nguồn nước tưới nên số lượng cây chết nhiều. Hiện tại, ở rẫy của gia đình ông, số lượng cây ca cao còn lại rất ít, còi cọc, năng suất, sản lượng đạt thấp; còn 3 sào trồng tại vườn nhà thuận tiện chăm sóc hơn thì cây sinh trưởng, phát triển khá tốt. Việc không kiên trì chăm sóc, đầu tư đối với diện tích cây ca cao ở đất rẫy đã trở thành một nỗi tiếc nuối của gia đình ông Y Đoan khi giá ca cao hiện tại đang ở đỉnh cao 260.000 đồng/kg (hạt khô).
Trong khi đó, sự thận trọng đến mức không dám mở rộng diện tích cũng như không tập trung đầu tư của hộ ông Y Đhuôn Đăk Căt (buôn Ja, xã Bông Krang) dù 200 cây ca cao vẫn phát triển khá tốt trong suốt 18 năm qua cũng là hệ quả của nỗi lo âu trước những biến động khó lường của thị trường, một tâm lý "ăn chắc mặc bền" vẫn chi phối quyết định sản xuất của nhiều nông hộ.
![]() |
Bà H'Yôk Bkrông (xã Yang Tao, huyện Lắk) sơ chế quả ca cao sau khi thu hoạch. |
Trở thành điểm sáng nhờ tư duy thích ứng
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Đắk Lắk đã đồng ý chủ trương xây dựng Đề án phát triển ngành hàng ca cao, với mục tiêu là rà soát lại vùng trồng, các khâu từ sản xuất, chế biến đến thị trường, chính sách hỗ trợ. Trên cơ sở đó, các chuyên gia sẽ đánh giá và đưa ra giải pháp thúc đẩy ngành hàng ca cao phát triển một cách bền vững, bảo đảm ổn định đầu ra, giúp nông dân yên tâm canh tác và gắn bó lâu dài với loại cây trồng này. |
Khác với nhiều vùng trồng ca cao trong tỉnh, huyện Ea Kar nổi lên như một điểm sáng trên bản đồ ca cao Việt Nam. Không có cảnh "trồng - chặt" đầy bất ổn, nơi đây đang chứng kiến một cuộc "thức giấc" mạnh mẽ của cây ca cao, đặc biệt là hướng đi theo tiêu chuẩn hữu cơ, mang lại lợi nhuận "khủng" đến trên 300 triệu đồng/ha cho người nông dân liên kết.
Tiêu biểu như Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nhất Tâm (xã Ea Đar) có 200 hộ dân cùng 150 ha liên kết, với tổng sản lượng ước tính đạt 300 tấn hạt ca cao khô.
Điều đáng nói là không chỉ tập trung vào chế biến, hợp tác xã còn là cầu nối vững chắc với các doanh nghiệp sản xuất socola. Việc bảo đảm đầu ra ổn định giúp bà con nông dân yên tâm canh tác, không còn lo cảnh “được mùa mất giá”.
Ông Nguyễn Văn Kiên, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Ea Kar cho biết, người dân Ea Kar vẫn đang duy trì chăm sóc diện tích ca cao trồng từ các dự án cách đây gần 20 năm.
Đặc biệt, trong khoảng 4 năm trở lại đây, do giá ca cao liên tục tăng, nông dân bắt đầu đi vào thâm canh, cũng như quản lý vườn ca cao tốt hơn, từ đó đẩy năng suất, giá trị vườn cây tăng lên.
Hiện nay, huyện Ea Kar có khoảng 1.000 ha ca cao, trong đó có khoảng 600 ha đã cho thu hoạch, năng suất đạt từ 7 – 8 tấn hạt ướt/ha.
Huyện đã hình thành 4 hợp tác xã hỗ trợ kỹ thuật cũng như thu mua sản phẩm ca cao trực tiếp cho bà con. Tất cả đã cho thấy sự chuyển biến trong tư duy sản xuất, hướng đến sự bền vững và hiệu quả kinh tế lâu dài.
Ông Nguyễn Hắc Hiển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, cây ca cao có mặt ở Việt Nam khá sớm (khoảng cuối thế kỷ 19), trong đó có Đắk Lắk. Nhưng mãi đến năm 2007, khi Dự án phát triển ca cao bền vững tại các nông hộ được triển khai thì loại cây này mới thực sự có chỗ đứng trên vùng đất bazan màu mỡ. Đến nay, Đắk Lắk có khoảng 1.200 ha và chất lượng ca cao được khẳng định bởi Tổ chức Ca cao Quốc tế (ICCO).
Tuy nhiên, cây ca cao rất khó phát triển mạnh mẽ như nhiều loại cây khác, bởi nó phải cạnh tranh với nhiều cây trồng có giá trị kinh tế cao. Có một giai đoạn dài, giá ca cao xuống thấp, sâu bệnh hại nhiều khiến người dân chặt bỏ bớt để trồng xen những cây trồng khác.
![]() |
Hạt ca cao được người dân ủ lên men, phơi khô trước khi bán cho thương lái. |
Từ thực tế trên cho thấy, câu chuyện "trồng - chặt" trong sản xuất nông nghiệp nói chung, cây ca cao nói riêng không chỉ là vấn đề kinh tế đơn thuần, mà còn là câu chuyện về tư duy sản xuất của người nông dân. Nó không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế hộ gia đình mà còn tác động đến sự ổn định của cả nền nông nghiệp và sự phát triển bền vững của nông thôn. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng điệp khúc “trồng - chặt" là một trong những thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống vật chất và tinh thần của hàng triệu nông dân. Việc tìm ra giải pháp căn cơ cho vấn đề này là vô cùng quan trọng để nâng cao đời sống nông dân và phát triển một nền nông nghiệp bền vững.
Minh Thuận - Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc