Multimedia Đọc Báo in

Cuộc Tổng điều tra nông Thôn, nông nghiệp năm 2025:

Cơ hội vàng để tái cấu trúc ngành nông nghiệp Đắk Lắk

08:23, 13/07/2025

Cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 đang được triển khai trên toàn quốc từ ngày 1/7/2025. Đây không chỉ là một cuộc điều tra thống kê quy mô lớn mà còn là cơ hội để định hình lại chiến lược phát triển cho "tam nông". Đối với một tỉnh có tiềm năng nông nghiệp to lớn như Đắk Lắk, cuộc tổng điều tra này mang một ý nghĩa chiến lược đặc biệt.

Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo và Phát thanh, Truyền hình Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông HỒ NGỌC QUANG, Trưởng Thống kê tỉnh Đắk Lắk.

Ông Hồ Ngọc Quang, Trưởng Cục Thống kê tỉnh Đắk Lắk.

♦ Thưa ông, xin ông cho biết những điểm mới nổi bật của Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 đang được triển khai trên toàn quốc?

Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 là một trong ba cuộc tổng điều tra lớn nhất của quốc gia, được thực hiện theo Quyết định số 484/QĐ-TTg, ngày 7/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian triển khai thu thập thông tin bắt đầu từ ngày 1/7/2025 đến hết ngày 30/7/2025, với nhiều điểm mới đột phá so với trước đây.

Trước tiên là thông tin thu thập nhiều hơn và bao phủ đầy đủ hơn, không chỉ tập trung vào một số cây trồng, vật nuôi chủ yếu mà là toàn bộ các loại cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, cuộc điều tra lần này bổ sung thông tin để đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất của trang trại; bổ sung phiếu thu thập thông tin của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên minh hợp tác xã trong phương án Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 nhằm bảo đảm đầy đủ phạm vi của tổng điều tra.

 

Cuộc tổng điều tra lần này có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy chuyển đổi nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, bền vững, đòi hỏi một nền tảng dữ liệu đủ mạnh để phục vụ công tác hoạch định chính sách, phân tích xu hướng phát triển, phục vụ việc đánh giá các chương trình mục tiêu quốc gia và đáp ứng những yêu cầu mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Đáng chú ý, tổng điều tra lần này thay đổi về hình thức thu thập thông tin bằng việc sử dụng phiếu điều tra điện tử (CAPI và Webform) và cách thức quản lý dữ liệu trực tuyến nhằm kiểm soát tiến độ, chất lượng điều tra trong quá trình thu thập thông tin tại địa bàn; nâng cao trách nhiệm giải trình và quản lý dữ liệu tập trung; rút ngắn thời gian thu thập thông tin so với phiếu giấy. Ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra, làm sạch và hoàn thiện số liệu như ứng dụng máy móc để kiểm tra hoàn thiện mã ngành của hộ dựa trên căn cứ về ngành của lao động trong hộ; sử dụng bản đồ số trong một số công đoạn điều tra.

Cuộc tổng điều tra lần này có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy chuyển đổi nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, bền vững, đòi hỏi một nền tảng dữ liệu đủ mạnh để phục vụ công tác hoạch định chính sách, phân tích xu hướng phát triển, phục vụ việc đánh giá các chương trình mục tiêu quốc gia và đáp ứng những yêu cầu mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

♦ Với đặc thù của một tỉnh có quy mô nông nghiệp lớn như Đắk Lắk, dữ liệu từ cuộc tổng điều tra này sẽ giúp ích như thế nào cho địa phương trong việc xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững, thưa ông?

Tỉnh Đắk Lắk (mới) tích hợp rất nhiều tiềm năng và thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp, đó là kết hợp thế mạnh cây công nghiệp, cây ăn quả vùng cao với thủy sản vùng biển. Vì vậy, dữ liệu từ cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 sẽ giúp phân tích chi tiết đến từng đơn vị hành chính cấp xã và lĩnh vực, từ đó nhận diện lại cơ cấu nông nghiệp hiện hữu. Việc này giúp xác định đâu là ngành hàng chủ lực, đâu là ngành có tiềm năng để chuyển đổi. Hơn nữa, việc kết hợp dữ liệu từ hai địa phương cũ sẽ giúp nhận diện các vùng sản xuất hiệu quả, quy hoạch lại vùng nguyên liệu và phát triển chuỗi giá trị, thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp đạt mức hai con số.

Cũng từ cơ sở dữ liệu này, các địa phương trong tỉnh có thể xác định đâu là nhóm nông sản cần đầu tư chiều sâu về công nghệ, đâu là lĩnh vực cần liên kết chuỗi, từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ. Đặc biệt, thông tin về mức độ liên kết, ứng dụng công nghệ cao, thị trường tiêu thụ sẽ là cơ sở nền tảng để xây dựng chỉ dẫn địa lý, tiêu chuẩn hóa sản phẩm và mở rộng thị trường xuất khẩu. Đây là yếu tố then chốt để nâng tầm giá trị nông sản Đắk Lắk và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Các điều tra viên đi thu thập thông tin trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

♦ Để tối ưu hóa giá trị của kho dữ liệu đồ sộ này, theo ông, tỉnh Đắk Lắk cần làm gì?

Tôi cho rằng, điều quan trọng nhất là không để dữ liệu chỉ nằm trên giấy. Dữ liệu tổng điều tra cần được tích hợp vào quy hoạch vùng, các đề án phát triển nông nghiệp địa phương, cũng như cung cấp cho doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân thông qua các nền tảng số.

Do đó, tỉnh cần đầu tư xây dựng hệ sinh thái dữ liệu mới về nông nghiệp – nơi dữ liệu điều tra là nền tảng cốt lõi. Đồng thời, cần chính sách ưu tiên đầu tư cho vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng nguyên liệu ổn định và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong điều hành sản xuất, tiêu thụ, phân phối, hướng đến truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Từ đó, dữ liệu sẽ không chỉ là công cụ cho đo lường, mà trở thành “nhiên liệu” cho đổi mới mô hình tăng trưởng nông nghiệp, hướng tới giá trị cao và bền vững.

Cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 là cơ hội không chỉ để nhìn lại thực trạng nông nghiệp mà còn để định hình chiến lược phát triển nông thôn mới trong giai đoạn tới. Đắk Lắk có lợi thế để tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên quy mô vùng, khai thác tối đa tiềm năng về đất đai, khí hậu, lao động và hệ thống sản phẩm đặc trưng. Tôi hy vọng rằng, khi dữ liệu được sử dụng đúng cách – công khai, minh bạch, gắn với chỉ đạo điều hành và hoạch định chính sách – sẽ tạo bước ngoặt lớn cho ngành nông nghiệp địa phương phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.

♦​​​​​​​ Xin cảm ơn ông!

Lê Minh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc