Multimedia Đọc Báo in

Bức tranh “nhiều màu” trong chỉ số PAPI tỉnh Đắk Lắk năm 2024

08:16, 12/05/2025

Kết quả xếp hạng Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2024 vừa được công bố, tỉnh Đắk Lắk xếp hạng 39/61/63 tỉnh, thành phố cả nước. Tỉnh đang tiếp tục đề ra nhiều giải pháp để cải thiện, tăng điểm các tiêu chí, tiêu chí thành phần thuộc 8 nội dung cấu thành chỉ số PAPI.

Chung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã phỏng vấn bà AYUN H'HƯƠNG, Phó Giám đốc Sở Nội vụ.

Bà Ayun H'Hương, Phó Giám đốc Sở nội vụ.

♦ Sở Nội vụ đánh giá thế nào về kết quả Chỉ số PAPI năm 2024 của tỉnh? Các tiêu chí đã được cải thiện so với năm 2023 ra sao, thưa bà?

Tháng 4 vừa qua, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với cơ quan liên quan công bố kết quả Chỉ số PAPI năm 2024 của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Kết quả, Chỉ số PAPI của tỉnh Đắk Lắk đạt 43,0102 điểm, tăng 0,6837 điểm, xếp hạng 39/61/63 tỉnh, thành phố. Trong khu vực Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk xếp thứ 1/5 tỉnh.

Theo kết quả đánh giá, tỉnh Đắk Lắk có 5/8 trục nội dung tăng điểm, gồm: tham gia của người dân cấp cơ sở đạt 4,7686 điểm (tăng 0,0124 điểm), trách nhiệm giải trình với người dân đạt 4,3295 điểm (tăng 0,1204 điểm), kiểm soát tham nhũng trong khu vực công đạt 7,0098 điểm (tăng 0,3925 điểm), thủ tục hành chính công đạt 7,4290 điểm (tăng 0,2021 điểm), quản trị môi trường đạt 3,4043 điểm (tăng 0,1554 điểm). Điểm đáng phấn khởi là nội dung kiểm soát tham nhũng trong khu vực công tăng điểm nhiều nhất (tăng 0,3925 điểm); nội dung thủ tục hành chính công nằm trong nhóm cao nhất toàn quốc.

Kết quả này phản ánh sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị của tỉnh trong việc cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tính minh bạch, công khai, để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đạt được kết quả này, trong năm 2024, UBND tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để cải thiện, tăng điểm các tiêu chí, tiêu chí thành phần thuộc 8 nội dung cấu thành Chỉ số PAPI. Cụ thể, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 94/KH-UBND, ngày 20/5/2024 về nâng cao Chỉ số PAPI năm 2024 nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh. Từ sự quyết liệt này cho thấy các giải pháp cải cách hành chính (CCHC), ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao tính minh bạch… đã phát huy hiệu quả bước đầu. Đây là động lực để tỉnh nhìn nhận, phát huy mặt mạnh, đồng thời chỉ ra tồn tại, hạn chế để tập trung tháo gỡ.

Hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

♦ Dù giữ vững vị thế đứng đầu các tỉnh Tây Nguyên nhưng so với cả nước Chỉ số PAPI của tỉnh giảm 8 bậc so với năm 2023. Bà có thể cho biết rõ hơn về tồn tại, hạn chế trong hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh thời gian qua? Cần triển khai những biện pháp trọng tâm gì để “thăng hạng” chỉ số PAPI trong thời gian tới?

PAPI là chỉ số đo lường hiệu quả quản trị và hành chính công dựa trên trải nghiệm thực tế của người dân khi tương tác với chính quyền các cấp. Từ kết quả này, chúng tôi cũng nhìn nhận vẫn còn nhiều điểm cần tiếp tục cải thiện.

Cụ thể năm 2024, tỉnh có 5/8 trục nội dung không cải thiện bậc so với năm 2023, gồm: tham gia của người dân cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử. Có 2/8 trục nội dung thuộc nhóm thấp nhất so với cả nước là cung ứng dịch vụ công và quản trị môi trường. Cách biệt điểm số giữa 8 trục nội dung còn tương đối lớn, dao động từ 3,4043 (thấp nhất) đến 7,4290 (cao nhất)/10 điểm. Trong đó, nội dung cung ứng dịch vụ công của tỉnh ghi nhận mức 7,2606/10 điểm, giảm 0,2816 điểm so với năm 2023 và nằm trong nhóm thấp so với cả nước. Trong 4 nội dung thành phần, có 2 nội dung tăng điểm (y tế công lập và cơ sở hạ tầng), tuy nhiên mức tăng rất khiêm tốn. Ngược lại, 2 nội dung thành phần giáo dục tiểu học công lập và an ninh, trật tự đều giảm điểm, riêng giáo dục tiểu học công lập giảm 0,4517 điểm.

Ở nội dung quản trị môi trường ghi nhận mức 3,4043/10 điểm, tăng 0,1554 điểm so với năm 2023 nhưng vẫn nằm trong nhóm thấp so với cả nước. Trong 3 nội dung thành phần, có 2 nội dung tăng điểm (nghiêm túc trong bảo vệ môi trường và chất lượng không khí), song mức tăng khiêm tốn và 1 nội dung về thành phần chất lượng nước giảm 0,0151 điểm.

Có nhiều yếu tố tác động đến kết quả PAPI. Những chỉ số thành phần còn thấp điểm này là những “điểm nghẽn” cần tập trung cải thiện.

Trên cơ sở kết quả Chỉ số PAPI năm 2024, chúng tôi chủ động phân tích nguyên nhân, đề ra giải pháp để duy trì trục nội dung thuộc nhóm cao nhất, nâng cao các trục nội dung thuộc nhóm trung bình cao đồng thời tập trung cải thiện các trục nội dung thuộc nhóm trung bình thấp và nhóm thấp nhất. Tôi cho rằng, người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiếp tục tăng cường vai trò, trách nhiệm trong cải thiện Chỉ số PAPI của tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, chủ động ngăn ngừa hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực thi công vụ; tập trung triển khai nghiêm túc việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở thực chất, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng cơ quan, đơn vị, thay đổi phong cách, lề lối làm việc, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí để phục vụ người dân tốt hơn.

Để cải thiện chỉ số PAPI bền vững, không chỉ nỗ lực của riêng Sở Nội vụ mà cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Trong đó, rất cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của tất cả sở, ban, ngành, địa phương và sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân.

♦ Xin cảm ơn bà!

Đỗ Lan (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Ngọt ngào câu ví, giặm
Với người dân xứ Nghệ (Nghệ An - Hà Tĩnh), dù xa quê hương lập nghiệp nơi miền đất mới nhưng họ vẫn không thể quên được làn điệu dân ca ví, giặm. Bởi đó chính là "máu thịt" gắn bó với đời sống của mỗi người, chất chứa tình cảm, cốt cách tâm hồn người xứ Nghệ…