Multimedia Đọc Báo in

Tai nạn giao thông ở trẻ em: Nỗi lo chưa dứt

08:10, 13/07/2025

Xã hội ngày càng phát triển, việc trang bị xe máy điện, xe đạp điện cho con đi học, đi chơi đang ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, đằng sau sự tiện lợi ấy là những nỗi lo thường trực về an toàn giao thông.

Hiện nay, không khó để bắt gặp hình ảnh học sinh cấp II, cấp III điều khiển xe máy điện, xe đạp điện trên đường. Đối với nhiều gia đình, việc sắm xe cho con không chỉ giúp các em chủ động hơn trong việc đi lại, tiết kiệm thời gian đưa đón của phụ huynh mà còn tạo điều kiện để con tự lập. Thế nhưng, đây cũng là "con dao hai lưỡi" nếu cha mẹ không có biện pháp kiểm soát và giáo dục con em mình một cách nghiêm túc về ý thức tham gia giao thông.

Vụ tai nạn thương tâm xảy ra vào cuối tháng 6/2025 trên đường Đông Trường Sơn, đoạn qua địa bàn xã M’Drắk giữa xe đầu kéo và xe đạp điện khiến 4 trẻ em thương vong là một bi kịch đau lòng. Vụ tai nạn không chỉ gây ám ảnh cho những người làm bố, làm mẹ khi mất đi những đứa con thơ mà còn là hồi chuông cảnh báo về trách nhiệm của gia đình trong việc quản lý, giáo dục con em khi tham gia giao thông. Trước khi xảy ra vụ việc đau lòng này, chiếc xe đạp điện đã chở tới 5 người, trong đó cháu lớn nhất mới 15 tuổi và cháu nhỏ nhất chỉ hơn 2 tuổi. Ngoài chở quá số người quy định, cơ quan chức năng đã xác định nguyên nhân ban đầu do người điều khiển xe đạp điện không nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn xã Krông Jing, nay là xã M'Drak giữa xe đạp điện và xe đầu kéo khiến 4 em thương vong.

Tai nạn xảy ra, các em không chỉ là nạn nhân mà còn là tác nhân gây ra hậu quả, không chỉ bản thân các em chịu rủi ro mà còn có thể gây hại cho người khác. Vụ tai nạn giao thông giữa xe máy điện do một học sinh 17 tuổi điều khiển và xe máy xảy ra vào đầu tháng 5/2025 tại tỉnh Hưng Yên khiến hai cụ già tử vong là minh chứng đau xót.

Thời gian qua, lực lượng chức năng và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm hạn chế tối đa tình trạng đáng tiếc này, trong đó nổi bật là việc duy trì và phát huy hiệu quả của 128 mô hình "Cổng trường an toàn giao thông". Ngoài ra, mỗi năm còn có hàng trăm buổi tuyên truyền trực tiếp tại các cơ sở giáo dục thu hút hơn hàng trăm nghìn lượt người tham gia.

Dù đã rất nỗ lực, nhưng số vụ tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh vẫn ở mức cao. Theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh Đắk Lắk, trong 6 tháng đầu năm 2025, lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk (cũ) đã phát hiện và xử lý hơn 1.200 trường hợp học sinh vi phạm giao thông. Các lỗi vi phạm phổ biến mà học sinh thường mắc phải gồm: không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông, sử dụng điện thoại khi đang điều khiển phương tiện... Những hành vi này không chỉ đặt bản thân các em vào nguy hiểm mà còn gây mất an toàn cho những người tham gia giao thông khác.

Một buổi hướng dẫn học sinh điều khiển xe đạp điện an toàn khi tham gia giao thông trong mùa mưa.

Thiết nghĩ, an toàn của con cái khi tham gia giao thông không chỉ là trách nhiệm của nhà trường hay lực lượng chức năng mà trước hết và quan trọng nhất là trách nhiệm của mỗi gia đình. Cha mẹ chính là những người thầy đầu tiên, ngoài việc gương mẫu tuân thủ luật giao thông để con em noi theo, cần trang bị đầy đủ kỹ năng và kiến thức an toàn cho con khi tham gia giao thông.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(Video) Bác sĩ của ... voi
Ở Đắk Lắk, có những bác sĩ không làm việc trong bệnh viện mà gắn bó với rừng, với buôn làng để chăm sóc những “bệnh nhân” khổng lồ là những con voi nhà. Công việc của họ thầm lặng nhưng đầy gian nan, góp phần bảo vệ một loài vật quý đang đứng bên bờ tuyệt chủng.