Multimedia Đọc Báo in

“Ma men” trên đường và những cái chết thương tâm

07:07, 20/07/2025

Tình trạng vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông dù đã có những chế tài xử phạt rất nghiêm khắc, nhưng dường như thói quen lái xe sau khi đã uống rượu bia vẫn tồn tại, gây ra nhiều vụ tai nạn thương tâm, cướp đi sinh mạng của biết bao người vô tội.

Theo số liệu từ Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), 6 tháng đầu năm 2025, lực lượng chức năng cả nước đã xử lý hơn 1,6 triệu trường hợp vi phạm giao thông, trong đó có hơn 310.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 16,46% tổng số trường hợp vi phạm). Điều này cho thấy, thói quen coi thường pháp luật và mạng sống vẫn còn tồn tại dai dẳng. Nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra, cướp đi sinh mạng của nhiều người vô tội là minh chứng rõ nét nhất cho sự nguy hiểm của hành vi lái xe sau khi đã uống rượu bia.

Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện.

Điển hình là vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra vào cuối tháng 3/2025 tại tỉnh Gia Lai. Một tài xế điều khiển xe ô tô con đã gây tai nạn khiến 3 người vô tội thương vong. Cơ quan chức năng đã xác định người cầm lái xe ô tô con vi phạm nồng độ cồn ở mức 1.837mg/l khí thở. Tài xế này sau đó đã bị khởi tố hình sự, nhưng nỗi đau và mất mát đối với gia đình có người thân bị tử vong thì không gì có thể bù đắp được.

Điều đáng nói hơn cả là tình trạng tài xế xe khách, những người đang nắm giữ sinh mạng của hàng chục hành khách trên xe, lại coi thường tính mạng con người khi vẫn điều khiển phương tiện sau khi đã sử dụng rượu bia. Hành vi này không chỉ thể hiện sự vô trách nhiệm cá nhân mà còn đặt số đông đứng trước những hiểm nguy rình rập.

Mới đây nhất, Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 6 (Cục Cảnh sát giao thông) đã phát hiện một trường hợp tài xế xe khách vi phạm nồng độ cồn nghiêm trọng trên đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Điều đáng nói, người đàn ông này đang chở 45 hành khách từ TP. Hồ Chí Minh đi du lịch ở Lâm Đồng và vi phạm nồng độ cồn mức kịch trần. May mắn thay, vụ việc được phát hiện kịp thời, tránh được một thảm kịch có thể xảy ra.

Ngay cả những người thuộc lực lượng thực thi pháp luật cũng không phải là ngoại lệ và vẫn bị xử lý nếu vi phạm. Vào cuối tháng 6/2025, một cán bộ công an công tác tại tỉnh Bắc Ninh cũng đã bị tạm đình chỉ công tác sau khi vi phạm nồng độ cồn ở mức kịch trần. Vụ việc gây xôn xao dư luận khi cán bộ này điều khiển xe ô tô va chạm liên hoàn với 10 chiếc xe máy đang lưu thông trên đường, khiến 2 người bị thương.

Thực tế cho thấy, mặc dù lực lượng chức năng đã rất nỗ lực, ra quân xử lý hàng trăm nghìn trường hợp, nhưng dường như chưa đủ để thay đổi triệt để thói quen của một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông. Điều này càng khẳng định rằng, bên cạnh sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan quản lý, yếu tố cốt lõi để xây dựng một môi trường giao thông an toàn phải bắt nguồn từ ý thức của mỗi cá nhân. Mỗi người cần tự giác thay đổi nhận thức, biến lời kêu gọi "Đã uống rượu bia, không lái xe" thành hành động cụ thể, bởi lẽ bảo đảm an toàn giao thông không chỉ là trách nhiệm của riêng ai, mà là nghĩa vụ và quyền lợi của tất cả chúng ta. Hãy để những chuyến đi luôn là hành trình an toàn, chứ không phải là những chuyến đi mang theo hiểm họa từ men say.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(Video) Bác sĩ của ... voi
Ở Đắk Lắk, có những bác sĩ không làm việc trong bệnh viện mà gắn bó với rừng, với buôn làng để chăm sóc những “bệnh nhân” khổng lồ là những con voi nhà. Công việc của họ thầm lặng nhưng đầy gian nan, góp phần bảo vệ một loài vật quý đang đứng bên bờ tuyệt chủng.