Trả giá đắt vì tiếp tay cho buôn lậu
Mới đây, TAND tỉnh đã tổ chức phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Đặng Hải Đay (SN 1978, trú huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) về tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới theo quy định tại điểm b, Khoản 2, Điều 189 Bộ luật Hình sự.
Theo hồ sơ vụ án, trong năm 2023, lực lượng Công an tỉnh phát hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang lưu thông số lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật không có tên trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam. Các loại thuốc này có nguồn gốc xuất xứ từ Thái Lan, Campuchia, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, có dấu hiệu buôn lậu. Quá trình sàng lọc, cơ quan công an phát hiện đối tượng Triệu Quang Long (SN 1991, trú xã Ea Phê, huyện Krông Pắc) là một trong những đầu mối phân phối số lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc từ Campuchia.
![]() |
Bị cáo Đặng Hải Đay tại phiên tòa sơ thẩm. |
Trong khoảng thời gian từ 16/5 đến 13/6/2023, Long đã 5 lần liên hệ với người đàn ông tên Soạn (chưa rõ nhân thân, lai lịch) sinh sống tại Campuchia để mua 154 thùng thuốc bảo vệ thực vật (không có hóa đơn, chứng từ) rồi vận chuyển về Việt Nam để bán.
Để thực hiện việc vận chuyển về Việt Nam, Long đã liên hệ với Nguyễn Dân Phụng (SN 1997, trú quận 12, TP. Hồ Chí Minh) - là nhân viên Công ty TNHH Thương mại du lịch và vận tải quốc tế Phước An – Chi nhánh Sài Gòn (Công ty Phước An) để thuê vận chuyển thông qua đường tiểu ngạch (đường mòn, lối mở) với giá 16.000 đồng/kg.
Trong thời gian trên, Nguyễn Trường Vũ (SN 1985, trú quận 12, TP. Hồ Chí Minh) – Giám đốc Công ty Phước An đã thuê Đay vận chuyển thuốc bảo vệ thực vật từ Campuchia về Việt Nam. Mặc dù biết các mặt hàng đều không có hóa đơn, chứng từ về nguồn gốc xuất xứ; việc vận chuyển phải qua đường tiểu ngạch, nhưng Đay vẫn đồng ý vận chuyển để nhận tiền công với giá 10.000 đồng/kg.
Do quãng đường từ kho của Công ty Phước An đặt tại Campuchia đến biên giới sát tỉnh Tây Ninh xa, Đay đã liên hệ với N.P.Đ.K. (SN 1990, là người Việt, sinh sống tại Campuchia) nhờ tìm người vận chuyển từ kho hàng của Công ty Phước An đến tập kết tại vị trí bãi số 0 (là bãi đất trống nằm trên đất Campuchia và giáp với biên giới Việt Nam khoảng 1 km).
Sau đó, K. giới thiệu một người tên Sem (chưa rõ nhân thân, lai lịch) để vận chuyển hàng cho Đay. Đay và Sem thỏa thuận giá cước là 6.000 đồng/kg. Mỗi khi hàng hóa được vận chuyển đến bãi số 0, Sem liên hệ Đay để nhận hàng.
Sau khi bốc hàng, trả tiền công cho Sem thì Đay lái ô tô về trại heo ở xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh nghỉ ngơi (địa điểm Đay thuê để làm kho hàng, tập kết xe). Tối hôm sau, Đay thuê D.T.H. (SN 1986, trú huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) lái xe chở thuốc bảo vệ thực vật đến Công ty Phước An để giao nhận hàng hóa; sau khi nhận được hàng, Phụng sẽ giao lại cho Long.
![]() |
Hội đồng xét xử tuyên án đối với bị cáo Đặng Hải Đay. |
Bằng phương thức, thủ đoạn trên, các đối tượng đã 5 lần vận chuyển thuốc bảo vệ thực vật qua biên giới với tổng cộng 3.667,5 kg, tổng trị giá hàng hóa là hơn 309 triệu đồng; Đay đã nhận hơn 36 triệu đồng tiền công từ Vũ, sau khi trừ chi phí thuê ông Sem, thuê H., đổ xăng xe thì Đay hưởng lợi gần 4,7 triệu đồng. Do anh H. không biết nguồn gốc thuốc bảo vệ thực vật; anh K. không tham gia vận chuyển, không hưởng lợi gì nên cơ quan chức năng không đề cập xử lý. Đối với Vũ, Long, Phụng đã bị khởi tố, điều tra và xét xử. Theo đó, ngày 19/9/2024, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã xét xử và tuyên phạt Long 3 năm 6 tháng tù về tội buôn lậu; Vũ và Phụng cùng mức án 2 năm 6 tháng tù về tội buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới.
Sau khi xem xét các tình tiết giảm nhẹ và diễn biến tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Đay số tiền 200 triệu đồng về tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới. Nghe tòa tuyên án, trong ánh mắt của bị cáo Đay thể hiện rõ sự ân hận về lỗi lầm mà mình đã gây ra. Có lẽ đến giờ này, Đay mới thấm thía và tự trách bản thân mình chỉ vì cái lợi trước mắt, làm việc không chân chính để rồi tự chuốc lấy kết cục như ngày hôm nay.
Hà Duy
Ý kiến bạn đọc