Multimedia Đọc Báo in

Xã Chứ Kbô (huyện Krông Búk):

Bức xúc suối "biến" thành điểm tập kết rác

08:12, 27/05/2025

Con suối nằm giữa chợ Nông trường Cao su Cư Kbô và Trường Mầm non Ban Mai thuộc thôn An Bình (xã Chứ Kbô, huyện Krông Búk) dài khoảng 70 m nước đen kịt, bốc mùi hôi thối nồng nặc, có đoạn bị rác thải, cây cỏ che phủ ngăn dòng chảy, như đang bị bóp nghẹt.

Nguyên nhân chính là do hằng ngày có nhiều loại rác thải như túi nilon, giấy rác, thùng xốp, các sản phẩm thừa, nước thải trong hoạt động giết mổ gà, vịt, cá của các chủ sạp hàng tại chợ đổ trực tiếp xuống dòng suối. Thêm vào đó, một số hộ dân cũng lợi dụng đêm khuya vắng chở rác thải sinh hoạt vứt xuống suối.

Chị Ngô Thị Hồng Hà (SN 1986, ở thôn Hợp Thành) bức xúc: "Sáng nào đi chợ tôi cũng thấy các hộ buôn bán ở chợ tiện tay vứt rau, củ, quả lâu ngày không bán được, vứt bao nilon, thùng xốp hư hỏng xuống suối. Nhiều chủ sạp sau khi sơ chế cá, tôm, gà, vịt cũng tiện tay đổ nước thải ra đường hoặc đổ trực tiếp xuống suối nên bốc mùi tanh hôi nồng nặc".

Rác thải được chất thành đống dưới dòng suối bốc mùi gây ảnh hưởng đến các hộ dân sinh sống xung quanh khu vực chợ, đặc biệt là học sinh mầm non.

Còn cô giáo Bùi Thị Đào, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ban Mai phản ánh, con suối gần trường, rác thải ngập ứ lâu ngày, nhìn rất nhếch nhác; thời tiết nắng nóng bốc mùi hôi nồng nặc, ảnh hưởng đến các em học sinh, thầy cô giáo. Nhà trường rất mong chính quyền địa phương sớm có giải pháp xử lý "điểm tập kết rác tự phát" này để các em có môi trường học tập, vui chơi trong lành.

Ông Nguyễn Lam Hồng, Trưởng thôn An Bình cho biết, chợ Nông trường Cao su Cư Kbô thuộc thôn An Bình là nơi buôn bán của nhân dân ở các thôn: Quảng Hà, An Bình, Thống Nhất, Kim Phú, Tân Lập, Liên Hóa, Hòa Lộc, Hợp Thành, Bình Minh. Đây là chợ tạm có từ lâu đời chưa được đầu tư nâng cấp, các hạng mục vệ sinh môi trường, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa bảo đảm... song lại là nơi buôn bán duy nhất của bà con sinh sống khu vực Nông trường Cao su Cư Kbô. Trước đây, ở chợ chỉ có một vài hộ dân sinh sống, buôn bán ổn định nhưng đến năm 2007 có nhiều hộ gia đình ở nơi khác đến sinh sống, buôn bán nên rất khó quản lý, kể cả vấn đề môi trường.

Để hạn chế tình trạng ô nhiễm, khơi thông dòng chảy, trả lại dòng suối xanh, sạch, Ban tự quản, lực lượng an ninh cơ sở thôn An Bình đã tuyên truyền, vận động, triển khai cho các hộ kinh doanh, buôn bán ở chợ ký cam kết không lấn chiếm lòng lề đường kinh doanh, buôn bán, không đổ nước thải, xả rác xuống suối; đồng thời lắp camera để giám sát an ninh trật tự. Mỗi ngày, Ban quản lý chợ tiến hành thu gom rác thải tập trung vào một điểm để chủ nhật hằng tuần có xe rác đến lấy. Song, bên cạnh các hộ chấp hành tốt, vẫn còn 5 hộ gia đình ở địa phương khác đến sinh sống, buôn bán các mặt hàng thịt, cá, rau, củ, quả ở chợ nhưng không đăng ký thường trú ở địa phương, không nộp phí vệ sinh môi trường, căng dây bạt qua đường che khuất tầm nhìn, dù chính quyền thôn đã nhiều lần nhắc nhở.

Các hộ lấn chiếm căng bặt, mái che để che khuất tầm nhìn của camera an ninh để dễ dàng vứt rác, đổ nước thải xuống suối.

Nhân dân, cử tri thôn An Bình nhiều lần phản ánh việc đoạn suối trở thành điểm tập kết rác, gây ô nhiễm môi trường tại các hội nghị tiếp xúc cử tri tổ chức tại xã, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Về phía chính quyền thôn, cuối năm 2024 đã vận động bà con trên địa bàn thôn ủng hộ kinh phí thuê người, thuê phương tiện để xử lý rác, nhưng khi tới kiểm tra hiện trạng, do lòng suối sâu, lượng rác thải tồn đọng quá nhiều, máy múc không thể xuống được nên việc thu gom rác thải... dừng lại.

Việc thu gom, xử lý rác thải ở con suối vẫn chưa xử lý, nhưng chợ vẫn buôn bán mỗi ngày, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống. Người dân khu vực Nông trường Cao su Cư Kbô rất mong chính quyền địa phương sớm có giải pháp xử lý triệt để "bãi rác tự phát" ở dòng suối để trả lại dòng suối xanh, sạch, đẹp, trả lại môi trường bảo đảm an toàn cho người dân sinh sống xung quanh khu vực chợ, nhất là trẻ mầm non của Trường Mầm non Ban Mai.

  Kim Huế


Ý kiến bạn đọc