Triển vọng từ mô hình sản xuất lúa hữu cơ
Được thành lập giữa năm 2023, Hợp tác xã (HTX) Thương mại dịch vụ nông - lâm nghiệp Tấn Hưng được thành lập có 9 thành viên do anh Vi Văn Mừng (dân tộc Sán Chay, ở xã Vụ Bổn) làm Giám đốc với mục tiêu tập trung sản xuất 3 loại giống lúa chất lượng cao là Đài Thơm 8, ST24, ST25 theo hướng hữu cơ.
Vùng trồng lúa của HTX nằm trong vùng bán sơn địa, điều kiện đất đai, thổ nhưỡng không mấy thuận lợi như nhiều nơi khác. Giám đốc Vi Văn Mừng tất tả ngược xuôi liên hệ, liên kết với các đơn vị cung ứng vật tư, chuyên gia tổ chức nhiều hội thảo đầu bờ, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người dân để nắm vững kỹ thuật canh tác. Nhờ đó, thành viên HTX mạnh dạn hơn trong sản xuất, áp dụng kỹ thuật mới, đầu tư thâm canh tăng vụ, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau về giống, vốn… nhằm phát triển vùng trồng lúa.
“Đất không phụ công người”, anh Mừng không giấu niềm vui. Anh tâm sự, cũng mảnh ruộng ấy, vẫn là các loại cây trồng cũ nhưng với tư duy sản xuất mới, cách làm mới của HTX nên đã liên tiếp thành công, mùa nối mùa năng suất, sản lượng không ngừng tăng, hiệu quả.
![]() |
Thành viên Hợp tác xã Thương mại dịch vụ nông - lâm nghiệp Tấn Hưng thu hoạch lúa. |
HTX hiện có 9 thành viên và 88 thành viên liên kết, 100% là người dân tộc thiểu số với 200 ha diện tích trồng các giống lúa đặc sản Đài Thơm 8, ST24, ST25. HTX liên kết, cung ứng vật tư nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm lúa cho thành viên HTX và nông dân trồng lúa các địa phương lân cận... Trung bình mỗi năm HTX thu được 10.000 tấn lúa tươi, được các nhà máy tại các tỉnh Long An (nay là Tây Ninh), Đồng Tháp, TP. Cần Thơ… mua ngay tại ruộng với giá 10.000 - 10.500 đồng/kg. Có thời điểm, nhiều đơn vị, doanh nghiệp sẵn sàng mua lúa do HTX sản xuất ra với giá cao hơn thị trường 100 - 200 đồng/kg.
Hiện nay, HTX Thương mại dịch vụ nông - lâm nghiệp Tấn Hưng đang sản xuất lúa chất lượng cao, đang xúc tiến xây dựng sản phẩm gạo OCOP, trở thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao của tỉnh Đắk Lắk.
Nguyễn Văn Chiến
Ý kiến bạn đọc