Multimedia Đọc Báo in

Tháo gỡ nút thắt trong quản lý chất lượng: Tạo sức bật cho nông sản sạch

08:01, 13/07/2025

Tỉnh Đắk Lắk (mới) có tiềm năng nông, lâm, thủy sản rất lớn, bắt nguồn từ cao nguyên đại ngàn đến duyên hải trù phú. Tuy nhiên, để biến nguồn lực dồi dào này thành động lực bứt phá, nâng tầm vị thế nông sản trên trường quốc tế, Đắk Lắk phải tháo gỡ triệt để những "nút thắt" trong quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm.

Nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ

Đắk Lắk (cũ) là tỉnh miền núi nhưng được xác định là có dư địa rất lớn trong sản xuất nông, lâm, thủy sản theo hướng hàng hóa do có diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 700.000 ha, với nhiều loại cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao phù hợp với xuất khẩu. Hiện tại, nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh, với 40,43% trong giá trị tổng sản phẩm toàn tỉnh.

Tương tự, Phú Yên (cũ) cũng có tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khá cao, với 23,59% trong cơ cấu tổng sản phẩm, trong đó thế mạnh là thủy sản (tôm hùm, cá ngừ đại dương) và sản xuất nông nghiệp.

Công nhân sơ chế sản phẩm tại một doanh nghiệp chế biến thủy sản trong Khu công nghiệp Hòa Hiệp. Ảnh: Tuyết Hương

Sau hợp nhất hai địa phương, tỉnh Đắk Lắk (mới) có diện tích đứng thứ 3 cả nước đã tích hợp nhiều thuận lợi cho phát triển ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, đối với công tác quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản vốn đã nhiều khó khăn, sẽ đối diện với không ít thách thức mới. Mặc dù hiện nay, tỉnh Đắk Lắk (mới) đã có hơn 30.600 ha cà phê được cấp chứng nhận sản xuất bền vững và mã vùng trồng nội địa; khoảng 100 mã vùng trồng xuất khẩu (chủ yếu là sầu riêng); có 138 cơ sở nuôi tôm thẻ, tôm hùm được cấp mã số phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm... Tuy nhiên, con số này vẫn còn quá ít so với thực tế sản xuất; tình trạng manh mún, thiếu liên kết trong sản xuất vẫn là hạn chế lớn của ngành nông nghiệp.

Trong khi đó, nông sản và thủy sản Đắk Lắk đều hướng đến những thị trường khó tính, với những bộ tiêu chuẩn ngày càng khắt khe như quy định về chống phá rừng và suy thoái rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) đối với mặt hàng cà phê; hay việc kiểm tra dư lượng hóa chất (như Cadimi, chất vàng O) của Trung Quốc đối với trái sầu riêng; đáp ứng các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), góp phần khắc phục các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) trong khai thác hải sản…

Tháo gỡ triệt để những "nút thắt" trong quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm là giải pháp tối ưu để nâng tầm vị thế nông sản Đắk Lắk. Ảnh: Minh Thuận - Ngọc Hân

Mặt khác, với diện tích cây trồng lớn, đa dạng và sản lượng thu hoạch hằng năm cao thì nhu cầu sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là rất lớn. Và nay thêm vật tư cho thủy sản, việc quản lý chặt chẽ nguồn gốc, chất lượng và sử dụng đúng quy định các loại vật tư này trên diện tích và chủng loại sản phẩm rộng lớn hơn sẽ là một bài toán hóc búa. Trong khi đó, công tác kiểm tra, giám sát còn yếu và việc lấy mẫu, xử lý vi phạm còn gặp nhiều khó khăn…

 

Bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm đề xuất: Để kiểm soát và nâng cao chất lượng sầu riêng, Đắk Lắk nên chọn các hợp tác xã, doanh nghiệp tiên phong trong việc thực hiện cam kết hợp tác lâu dài trong liên kết giá thành thu mua và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Tạo chuỗi liên kết bền vững các bên đều có lợi, bảo đảm việc chống phá giá thị trường hoặc thao túng thị trường có thể xảy ra trong thời điểm rộ vụ.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nguyễn Hắc Hiển, hiện nay đang có sự chồng chéo trong quản lý chất lượng, ATTP giữa các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương, gây khó khăn trong việc xác định đơn vị chịu trách nhiệm và cấp giấy chứng nhận. Việc điều chỉnh luật, nghị định, thông tư để phù hợp với bối cảnh phân cấp quản lý đến cấp xã và mở rộng quy mô diện tích cấp tỉnh là hết sức cấp bách.

Quyết liệt thực hiện các giải pháp

Để biến Đắk Lắk (mới) thành “thủ phủ” của nông, lâm và thủy sản sạch, việc tháo gỡ các nút thắt không chỉ là giải pháp tình thế mà là chiến lược dài hạn, kiến tạo nền móng vững chắc cho Đắk Lắk. Bởi khi nông sản đạt chuẩn chất lượng và ATTP thì sẽ có đủ "sức bật" để không chỉ chinh phục thị trường trong nước mà còn tự tin vươn ra biển lớn, khẳng định vị thế của nông nghiệp Việt Nam trên bản đồ nông sản toàn cầu. Đây là hành trình đòi hỏi những giải pháp quyết liệt và đồng bộ.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, bên cạnh việc hoàn thiện thể chế và chuẩn hóa bộ máy quản lý, cần tăng cường tập huấn bài bản cho doanh nghiệp và người sản xuất về các tiêu chuẩn, quy định của thị trường nhập khẩu để nâng cao năng lực sản xuất. Việc cấp mã vùng trồng phải thực hiện nghiêm túc và cần có chế tài xử phạt rõ ràng đối với những trường hợp vi phạm vì đây là cơ sở quan trọng để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Đồng thời, khuyến khích sử dụng phân hữu cơ, các chế phẩm sinh học để giảm thiểu hóa chất; ứng dụng công nghệ 4.0 để truy xuất nguồn gốc sản phẩm một cách minh bạch. Ngoài ra, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết sản xuất, bảo đảm sản phẩm đồng nhất về số lượng, chất lượng và an toàn, đáp ứng yêu cầu về diện tích tối thiểu của mã vùng trồng và việc ghi nhật ký nông hộ…

Những giải pháp này sẽ góp phần tạo ra một hệ sinh thái sản xuất nông, lâm, thủy sản sạch, nơi ý thức và trách nhiệm của người dân được nâng cao, doanh nghiệp được hỗ trợ và cơ quan quản lý thực hiện vai trò một cách hiệu quả nhất.

Diêm dân đang sản xuất tại làng nghề muối Tuyết Diêm ở xã Xuân Cảnh. Ảnh: Ngọc Hân

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Văn Hà cho rằng, nâng cao chất lượng nông sản là con đường tất yếu và duy nhất trong lộ trình phát triển nông nghiệp bền vững. Đặc biệt, đối với vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm như Đắk Lắk, nếu không quan tâm đến chất lượng, chúng ta sẽ thua cuộc ngay trên chính “sân nhà” hoặc thậm chí không thể bán được sản phẩm làm ra. Tuy nhiên, con đường nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu rất chông gai, đòi hỏi sự thay đổi nhận thức của tất cả các bên liên quan.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(Video) Bác sĩ của ... voi
Ở Đắk Lắk, có những bác sĩ không làm việc trong bệnh viện mà gắn bó với rừng, với buôn làng để chăm sóc những “bệnh nhân” khổng lồ là những con voi nhà. Công việc của họ thầm lặng nhưng đầy gian nan, góp phần bảo vệ một loài vật quý đang đứng bên bờ tuyệt chủng.