Thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm: Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Tỉnh Đắk Lắk đang triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để lập lại trật tự trong công tác quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp, thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trên địa bàn tỉnh.
Kinh nghiệm từ huyện Ea Súp
Khu vực Tiểu khu 267 và Tiểu khu 268 (xã Ea Bung, huyện Ea Súp) có tổng diện tích hơn 1.877 ha. Tháng 12/2012, UBND tỉnh Đắk Lắk cho Công ty Cổ phần Địa ốc Thái Bình Phát thuê hơn 714 ha đất tại hai tiểu khu này để thực hiện Dự án đầu tư cải tạo rừng, khoanh nuôi quản lý bảo vệ rừng. Tuy nhiên, do thực hiện dự án không hiệu quả và doanh nghiệp để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý đất đai, quản lý, bảo vệ rừng, nên tháng 2/2017, UBND tỉnh quyết định thu hồi, giao về UBND huyện Ea Súp quản lý.
Sau khi tiếp nhận, huyện đã rà soát, đánh giá thực trạng công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý đất đai tại khu vực này. Đồng thời, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm, đặc biệt là thực hiện thí điểm thu hồi, giải phóng mặt bằng (GPMB) trên diện tích khoảng hơn 1.000 ha đất lâm nghiệp tại Tiểu khu 267, Tiểu khu 268 (trong đó có diện tích thu hồi của Công ty Cổ phần Địa ốc Thái Bình Phát giao về).
![]() |
Lực lượng chức năng tháo dỡ chòi lán xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp tại xã Ea Bung (huyện Ea Súp). |
Sau khi hoàn thành việc đo đạc thực địa, thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính…, UBND huyện Ea Súp đã xây dựng kế hoạch, phương án, kịch bản, thành lập các ban, tổ công tác để thực hiện nhiệm vụ cưỡng chế, phương án bảo đảm an ninh trật tự, hậu cần phục vụ cưỡng chế…
Trong năm 2024, UBND huyện đã chỉ đạo tập trung, quyết liệt, linh hoạt, trong đó đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, vận động kết hợp với biện pháp nghiệp vụ của lực lượng công an; kịp thời chăm lo đời sống hằng ngày của người dân, hướng dẫn, tạo điều kiện giải quyết thủ tục hành chính về hộ tịch, hộ khẩu, đất đai và những nhu cầu chính đáng của từng đối tượng vi phạm, hỗ trợ, vận động trẻ đi học… để các hộ dân tin tưởng, đồng thuận với chính quyền, tự nguyện trả lại đất. Do đó, huyện không phải tổ chức cưỡng chế, nên tiết kiệm ngân sách, giảm áp lực bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn.
Kết quả, UBND huyện Ea Súp đã tuyên truyền, vận động, thuyết phục được 129 hộ tự nguyện trả lại đất (tăng 25 hộ so với các quyết định của UBND tỉnh); diện tích đã thu hồi là hơn 622 ha (bằng 111% so với diện tích dự kiến thu hồi). Huyện đã tổ chức GPMB trên toàn bộ diện tích này, trong đó, cắt hạ 169 ha cây lâu năm; cày phá 227,6 ha cây hằng năm; tháo dỡ 79 chòi, lán; còn lại hơn 225 ha là đất trống.
Sau khi GPMB, huyện Ea Súp đã chỉ đạo chính quyền xã và cơ quan chuyên môn tiếp nhận, tăng cường quản lý chặt chẽ quỹ đất đã thu hồi, không để tình trạng tái lấn, chiếm; rà soát các quỹ đất dự kiến bố trí đất ở, đất sản xuất cho người dân, đề xuất xin chủ trương thực hiện dự án bố trí dân cư tại những khu vực đủ điều kiện.
"Mọi trường hợp vi phạm phải được phát hiện kịp thời và ngăn chặn ngay từ đầu, nếu để xảy ra vi phạm mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để, để rừng tiếp tục bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm thì chủ rừng phải chịu trách nhiệm và phải bị xử lý theo quy định của pháp luật” - quyền Chủ tịch UBND tỉnh |
Chủ tịch UBND huyện Ea Súp Đỗ Xuân Dũng cho biết, qua công tác thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm tại Tiểu khu 267 và Tiểu khu 268 cho thấy bài học kinh nghiệm đầu tiên là phải tăng cường công tác quản lý đất đai thật sự chặt chẽ; bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động; lập quy hoạch, kế hoạch và quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để quản lý hiệu quả quỹ đất; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng; thực hiện tốt công tác hỗ trợ an sinh xã hội; linh hoạt trong kế hoạch, phương án thu hồi đất; quản lý chặt chẽ đất sau thu hồi. Đồng thời, đánh giá hiệu quả công việc gắn với trách nhiệm của cán bộ, công chức và cải tiến phương pháp làm việc liên tục.
Quyết liệt thu hồi đất bị lấn chiếm
Theo thống kê chưa đầy đủ của các địa phương và chủ rừng, toàn tỉnh có 127.770 ha đất lâm nghiệp có nguồn gốc từ nông lâm trường bị người dân xâm canh, lấn chiếm trái phép. Cụ thể, đất bị xâm lấn tại các công ty TNHH một thành viên, hai thành viên lâm nghiệp: 20.670 ha; ban quản lý rừng, vườn quốc gia: 6.330 ha; đất do UBND cấp xã quản lý: 94.500 ha; dự án quản lý bảo vệ rừng, nông lâm kết hợp: 6.200 ha.
Đến nay, UBND cấp huyện mới chỉ xử lý thu hồi được khoảng 1.460 ha. Việc xử lý, thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập. Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 188/KH-UBND, ngày 24/10/2024 về xử lý, thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, với mục tiêu đến quý 2/2026 sẽ thu hồi 100% diện tích đất lấn, chiếm.
![]() |
Một khu vực đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm tại huyện Ea Súp đã được thu hồi. |
Để hoàn thành nhiệm vụ này, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục để người dân hiểu, chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật của Nhà nước về lâm nghiệp, đất đai; khuyến khích người dân tự nguyện trả lại diện tích đất lâm nghiệp đã lấn, chiếm, hạn chế thực hiện các biện pháp cưỡng chế thu hồi. Công tác lập biên bản vi phạm hành chính và thiết lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi lấn, chiếm đất lâm nghiệp phải thực hiện theo đúng quy định, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính không phải tiến hành củng cố hồ sơ, xác minh trước khi ban hành quyết định xử phạt.
Sở Nông nghiệp và Môi trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất lâm nghiệp của các dự án nông lâm nghiệp do tổ chức, cá nhân thuê đất và xử lý kịp thời các vụ vi phạm pháp luật về đất đai. Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, phát hiện kịp thời các vụ việc vi phạm và phối hợp tốt với cơ quan chức năng để xử lý các đối tượng vi phạm; chủ động đấu tranh ngăn chặn, phòng ngừa hành vi xâm hại tài nguyên rừng, lấn chiếm đất đai
UBND tỉnh đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo công an các xã, phường, thị trấn phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân tự nguyện trả lại đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm; tăng cường tranh thủ, phát huy vai trò của chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số phục vụ công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện trả lại đất lấn, chiếm.
Đối với các chủ rừng, tăng cường tuần tra, kiểm tra, bảo vệ rừng tận gốc, bảo vệ rừng vùng giáp ranh; xác định cụ thể những "điểm nóng" về xâm hại rừng trên lâm phần quản lý để bố trí các điểm chốt chặn, tổ chức truy quét tại những điểm nóng về phá rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp; lập biên bản kiểm tra, báo cáo và chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng để xử lý đúng thời gian quy định.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc