Multimedia Đọc Báo in

Tạo đột phá cho kinh tế tư nhân

08:18, 08/05/2025

Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết 68) đánh một dấu mốc lịch sử, không chỉ khẳng định vai trò mà còn có nhiều điểm mới đột phá, gỡ bỏ nhiều rào cản để kinh tế tư nhân vươn lên trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.

Từ vai trò động lực đến sự khác biệt

Khẳng định vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân (KTTN), Nghị quyết 68 nêu rõ: Sau gần 40 năm đổi mới, KTTN ở nước ta đã từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khu vực KTTN là lực lượng quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống xã hội.

Tuy nhiên, thời gian qua sự phát triển của KTTN vẫn còn bị kìm hãm do nhiều nguyên nhân, trong đó có tư duy, nhận thức; thể chế, pháp luật; quyền tài sản và quyền tự do kinh doanh chưa được bảo đảm đầy đủ. KTTN còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là vốn, công nghệ, đất đai, tài nguyên và nhân lực chất lượng cao. Một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ chưa thực sự hiệu quả và khó tiếp cận; chi phí kinh doanh còn cao.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung cùng đoàn công tác đến thăm hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Thép ASEAN

Thể hiện sự khác biệt trong quan điểm chỉ đạo, Nghị quyết 68 khẳng định trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, KTTN là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững; cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, KTTN giữ vai trò nòng cốt để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, vươn lên phát triển thịnh vượng.

Nghị quyết 68 còn thể hiện đường lối bảo đảm đầy đủ quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng, được tự do kinh doanh các ngành nghề pháp luật không cấm; tạo dựng, củng cố niềm tin giữa nhà nước và khu vực KTTN; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp (DN) và doanh nhân; bảo đảm KTTN cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong tiếp cận cơ hội kinh doanh và các nguồn lực của nền kinh tế, nhất là vốn, đất đai, công nghệ, nhân lực, dữ liệu và các nguồn lực hợp pháp khác của đất nước theo quy định của pháp luật.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Thép ASEAN.

Nghị quyết 68 khẳng định nhất quán nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN và nhân dân về vị trí, vai trò của KTTN; củng cố niềm tin, khát vọng vươn lên và hành động mạnh mẽ của KTTN Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Nhà nước kiến tạo, phục vụ, hỗ trợ KTTN phát triển nhanh, bền vững, không can thiệp hành chính vào hoạt động sản xuất, kinh doanh trái với nguyên tắc thị trường; xây dựng mối quan hệ giữa chính quyền với DN cởi mở, thân thiện, đồng hành, liêm chính phục vụ, kiến tạo phát triển.

Mục tiêu chiến lược và giải pháp đột phá

 

"Việc ra đời Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển KTTN là rất kịp thời trong bối cảnh mới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng đạt từ 8% trong năm nay" - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Sự khác biệt mang tính then chốt của Nghị quyết 68 không chỉ nằm ở sự thay đổi trong nhận thức về vai trò của KTTN, mà còn thể hiện ở việc đưa ra những mục tiêu rất cụ thể, đi kèm với đó là quyết tâm chính trị rất cao, hoàn toàn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Nghị quyết 68 nêu các mục tiêu đã được lượng hóa và có mốc lộ trình cụ thể.

Theo đó, đến năm 2030, KTTN là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phấn đấu có 2 triệu DN hoạt động trong nền kinh tế, 20 DN hoạt động/nghìn dân; có ít nhất 20 DN lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Tốc độ tăng trưởng bình quân của KTTN đạt khoảng 10 - 12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55 - 58% GDP, khoảng 35 - 40% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84 - 85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5 - 9,5%/năm. Trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu khu vực châu Á.

Tầm nhìn đến năm 2045, KTTN Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; đóng góp khoảng trên 60% GDP.

Công nhân làm việc tại xưởng sản xuất của Công ty TNHH May mặc Lực Thiêm Đắk Lắk (Cụm công nghiệp Tân An, TP. Buôn Ma Thuột).

Khu vực KTTN hiện có khoảng 940.000 DN và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và sử dụng khoảng 82% tổng số lao động vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm...

Nghị quyết 68 cũng nêu ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp bao gồm: đổi mới tư duy, thống nhất cao về nhận thức và hành động, khơi dậy niềm tin, khát vọng dân tộc, tạo xung lực mới, khí thế mới để phát triển KTTN; đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng của KTTN và bảo đảm thực thi hợp đồng của KTTN; tạo thuận lợi cho KTTN tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao; thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh doanh hiệu quả, bền vững trong KTTN; tăng cường kết nối giữa các DN tư nhân, DN lớn và vừa, các tập đoàn KTTN tầm cỡ khu vực và toàn cầu; hỗ trợ thực chất, hiệu quả DN nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh; đề cao đạo đức kinh doanh, phát huy trách nhiệm xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nhân tham gia quản trị đất nước.

Điểm khác biệt nhất trong nhóm giải pháp của Nghị quyết 68 là tuân thủ nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự; giữa pháp nhân và cá nhân trong xử lý vi phạm. Nghị quyết 68 còn có nhóm giải pháp riêng về tạo thuận lợi cho KTTN tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao. Một điểm mới nữa của Nghị quyết 68 là nhóm giải pháp tăng cường kết nối giữa các DN tư nhân, DN tư nhân với DN nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đồng thời, nghị quyết này xác định rõ nhiệm vụ đối với từng DN xét theo quy mô.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Ana nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng ngành Y tế huyện Krông Ana đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân, nhất là đối với tuyến y tế cơ sở.