Multimedia Đọc Báo in

Gian nan công tác giảm nghèo ở Ea Trul

08:22, 27/05/2025

Là địa phương thuộc vùng III của huyện Krông Bông, xã Ea Trul có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 62%. Mặc dù được hỗ trợ từ nhiều chương trình, dự án nhưng đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn, công tác giảm nghèo tại địa phương đang gặp không ít gian nan.  

Ông Y Phen Byă, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Trul cho biết, địa phương có diện tích tự nhiên 2.492 ha, có 1.537 hộ, với 7.203 nhân khẩu, được chia thành 9 đơn vị thôn, buôn. Thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng diện tích đất canh tác trên địa bàn xã hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Hơn nữa, một số diện tích thường xuyên ngập úng vào mùa mưa và thiếu nước sản xuất vào mùa khô.

Đặc điểm địa hình đã gây bất lợi cho sự phát triển kinh tế của địa phương. Thêm vào đó, đa phần cây trồng, vật nuôi người dân đang phát triển lại có giá trị kinh tế thấp; sản xuất manh mún, chưa ứng dụng nhiều khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Điều kiện khí hậu diễn biến thất thường cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất.

Đơn cử như vụ lúa Đông Xuân 2024 – 2025, địa phương gieo trồng hơn 400 ha nhưng một số diện tích lúa do sạ sớm, không trổ được bông hoặc trổ bông nhưng bị lép hạt, khiến khoảng 251 ha lúa của người dân bị thiệt hại nặng.

Bàn giao nhà Tình nghĩa cho người nghèo trên địa bàn xã Ea Trul (huyện Krông Bông) từ Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2025.

Trước những khó khăn đó, chính quyền địa phương cũng đã thực hiện nhiều giải pháp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình thực tế; mở các lớp tập huấn, nâng cao kiến thức, giúp người dân nắm bắt kỹ thuật, thị trường; tăng cường công tác an sinh xã hội...

Song thực tế cho thấy, chính quyền và người dân còn lúng túng trong việc lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp; nhiều hộ gia đình còn ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ từ nhà nước, chưa thật sự phấn đấu vươn lên thoát nghèo.

Nguồn lực hỗ trợ từ Dự án giảm nghèo Tây Nguyên; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững vẫn còn hạn chế, chưa bao phủ hết đối tượng cần hỗ trợ.

Do vậy, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo toàn xã còn khá cao, chiếm hơn 56% tổng số hộ (trong đó, hộ nghèo 518 hộ, chiếm 33,4%; 357 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 23%).

Là buôn có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao nhất xã, buôn Ktluốt hiện có 117 hộ dân, với 596 nhân khẩu và có đến hơn 78% là hộ nghèo, cận nghèo.

Bà H’Krốc Kbuôr, Trưởng buôn Ktluốt chia sẻ, những năm qua, người dân trong buôn được hỗ trợ nhiều từ các dự án, chương trình của nhà nước và sự giúp đỡ của địa phương. Tuy nhiên, công tác giảm nghèo ở buôn vẫn gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân do buôn ít đất sản xuất, những hộ nghèo, cận nghèo đa phần là các gia đình không có đất sản xuất, thu nhập chủ yếu dựa vào việc làm thuê. Các mô hình chăn nuôi được kỳ vọng sẽ tạo sinh kế bền vững nhưng thực tế do thiếu kiến thức chăn nuôi, điều kiện chăm sóc hạn chế, nhiều hộ dân không duy trì được đàn vật nuôi; một số trường hợp bò bị bệnh chết hoặc không sinh sản được, dẫn đến mất vốn.

Một số hộ dân còn bán bò trả nợ vay ngân hàng và phải quay lại với sản xuất nhỏ lẻ, manh mún như trước khiến tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của buôn vẫn ở mức cao, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 18 triệu đồng/năm.

Cán bộ xã Ea Trul (huyện Krông Bông) hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng cây vải giống được hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Ngoài buôn Ktluốt, buôn Cư Mil cũng không khá hơn là mấy. Với 182 hộ dân, 850 nhân khẩu nhưng buôn có đến 133 hộ nghèo, cận nghèo. Hay như buôn Băng Kung có 222 hộ dân, 1.126 nhân khẩu, trong đó có 127 hộ nghèo, cận nghèo…

Theo ông Y Phen Byă, để tạo chuyển biến tích cực cho công tác giảm nghèo, cải thiện đời sống người dân, địa phương đang tiếp tục rà soát, điều chỉnh các mô hình kinh tế phù hợp và phối hợp với các đơn vị chuyên môn đào tạo kỹ thuật, hướng dẫn sản xuất gắn với thị trường, ổn định đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, tận dụng nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng cơ sở thiết yếu, tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bên cạnh đó, việc quan trọng hơn hết là đẩy mạnh tuyên truyền để thay đổi tư duy, khơi dậy quyết tâm vươn lên của người dân địa phương. Với sự hỗ trợ của chính quyền các cấp và tận dụng nguồn vốn từ các chương trình, dự án, địa phương đang nỗ lực cho mục tiêu giảm nghèo bền vững trong thời gian tới.

Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc