Multimedia Đọc Báo in

Chính quyền cấp xã quản lý nhà nước về giáo dục: Kỳ vọng mới từ chính sách mới

07:06, 20/07/2025

Từ ngày 1/7, chính quyền cấp xã được giao thẩm quyền quản lý nhà nước về giáo dục đối với các cơ sở giáo dục cấp mầm non, tiểu học, THCS.

Đây là bước đi mang tính đột phá, rút ngắn khoảng cách trong công tác quản lý, hứa hẹn mang đến nhiều kỳ vọng lớn trong việc phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục con em nhân dân địa phương.

Kiện toàn cơ sở vật chất trường, lớp

Gần dân, sát trường là một trong những lợi thế rõ rệt khi xây dựng chính quyền địa phương hai cấp. Để thực hiện nhiệm vụ mới về giáo dục và đào tạo theo thẩm quyền, chính quyền cấp xã trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai nhiệm vụ, chuẩn bị cho năm học mới 2025 - 2026…

Đầu tháng 7 vừa qua, UBND phường Tân Lập đã tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác quản lý giáo dục với sự tham dự đầy đủ của lãnh đạo 17 cơ sở giáo dục cấp mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn phường. Trên tinh thần tiếp cận, hỗ trợ, trao đổi giữa chính quyền địa phương và đại diện cơ sở giáo dục, hội nghị đã đem đến góc nhìn tổng thể về tình hình hoạt động giáo dục trên địa bàn phường; cách thức trao đổi thông tin và quản lý để chăm lo chu đáo hơn cho học sinh địa phương.

Sân Trường Tiểu học Kim Đồng (phường Tân Lập) đã xuống cấp nhiều năm nay cần xây dựng để học sinh có sân chơi sạch sẽ, an toàn.

Thầy Phan Vĩnh Hiệp, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Bình Trọng (phường Tân Lập) cho biết, đại biểu ít, lãnh đạo địa phương thân thiện và hội nghị được tổ chức theo hướng mở nên các hiệu trưởng cũng “mở lòng”. Các ý kiến vướng mắc về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất được lãnh đạo địa phương thông tin rõ ràng, đưa ra phương hướng giải quyết cụ thể đã đem đến “luồng gió” mới cho các trường học. Trường THCS Trần Bình Trọng hiện còn thiếu phòng học, thiếu 3 giáo viên và trường đã kiến nghị sớm xây dựng dãy phòng học mới theo đề xuất và xây dựng nhà đa năng để bảo đảm các hoạt động giáo dục cho học sinh địa phương. Hy vọng với sự quản lý chặt chẽ, sát sao từ chính quyền và rút ngắn khoảng cách trong điều hành quản lý về mặt nhà nước, học sinh của trường sẽ sớm có đủ không gian để sinh hoạt và học tập.

Chung quan điểm trên, cô Trần Thị Lợi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng (phường Tân Lập) cho hay, nhà trường cơ bản đáp ứng được nhu cầu về phòng học, thư viện, đồ dùng dạy học… Tuy nhiên, hiện nay sân trường đã xuống cấp nên học sinh thường bị ngã khi đi lại, vui chơi trên sân trường. Mùa nắng bụi, mùa mưa lầy lội làm bẩn lối đi, hành lang, lớp học… Nhà trường đã kiến nghị và được UBND phường đồng thuận, hy vọng học sinh sẽ có sân trường mới để vui chơi và học tập trong năm học 2025 – 2026.

Cô Hồ Trương Thị Thái Kiều, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Âu Cơ (phường Tuy Hòa) cho biết, sau nửa tháng vận hành chính quyền địa phương hai cấp, nhà trường đã nhận được sự tương hỗ tích cực từ phía địa phương. Việc Phòng Văn hóa – Xã hội của UBND phường đảm nhận công tác hành chính cũng thuận lợi vừa tinh gọn bộ máy, vừa gần gũi trường học.

Lãnh đạo trường phải chủ động, năng động

Theo ông Trần Đức Nhật, Chủ tịch UBND phường Tân Lập, phường đã chủ động phân công rõ người, rõ việc trong lĩnh vực giáo dục; các quy trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ của học sinh, phụ huynh được thực hiện công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân. Nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục rất rộng, do đó phường cũng mong lãnh đạo các trường chủ động phối hợp thực hiện các nhiệm vụ liên quan về giáo dục, đặc biệt là khi xảy ra các tình huống bất ngờ để địa phương hỗ trợ kịp thời nhất có thể. Sự phối hợp đó sẽ giúp chính quyền và nhà trường cùng thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chăm lo cho con em nhân dân địa phương.

Buổi ôn tập, củng cố kiến thức của học sinh Trường THCS Hùng Vương (phường Tuy Hòa). Ảnh: T. Hiếu

Thầy Huỳnh Anh Vương, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thái Bình (xã Tuy An Nam) cho rằng, người đứng đầu các trường học phải chủ động và năng động. Lãnh đạo địa phương không có chuyên môn sâu trong công tác giáo dục nên hiệu trưởng phải chủ động nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, năng lực quản trị trường học; chủ động xây dựng các hoạt động tại trường để góp phần xây dựng trường học hạnh phúc. Hiệu trưởng cũng phải có tư duy mở, tích cực tham mưu các nội dung liên quan để nâng cao “phẩm cấp” của mỗi trường, góp tay cùng địa phương xây dựng các phong trào thi đua về giáo dục và đào tạo, nhất là xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia…

Bà Võ Thị Minh Duyên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định, việc giao quyền quản lý giáo dục cho cấp xã là bước tiến quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục sát cơ sở và phù hợp với chính quyền địa phương hai cấp.

Đây cũng là cách thức thiết thực để bảo đảm quản lý giáo dục hiệu quả, liên tục, không bị gián đoạn, tạo đà phát triển giáo dục vùng sâu, vùng xa, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền. Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quản lý về mặt chuyên môn ở tất cả các bậc học.

Để phát huy lợi thế từ chính quyền cấp xã, phường trong quản lý về mặt nhà nước, lãnh đạo các trường học cần chủ động, năng động trong công tác quản lý tại trường, tận dụng những lợi thế gần dân, sát trường của chính quyền địa phương cấp xã từng bước kiện toàn cơ sở vật chất, trường lớp; tổ chức các hoạt động giáo dục mở để nâng cao chất lượng giáo dục đại trà từ cơ sở, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu đổi mới giáo dục và đào tạo…

Thanh Hường - Trung Hiếu


Ý kiến bạn đọc


(Video) Bác sĩ của ... voi
Ở Đắk Lắk, có những bác sĩ không làm việc trong bệnh viện mà gắn bó với rừng, với buôn làng để chăm sóc những “bệnh nhân” khổng lồ là những con voi nhà. Công việc của họ thầm lặng nhưng đầy gian nan, góp phần bảo vệ một loài vật quý đang đứng bên bờ tuyệt chủng.