Multimedia Đọc Báo in

Khi lịch sử bước ra khỏi trang sách...

08:22, 06/05/2025

Để khơi dậy niềm đam mê và hứng thú học tập, đặc biệt là với môn Lịch sử, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm thực tế; qua đó làm cho các sự kiện lịch sử trở nên sống động, gần gũi và dễ cảm thụ hơn với các em học sinh.

Vừa qua, tại Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu (TP. Buôn Ma Thuột), Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Lữ đoàn Đặc công bộ 198 tổ chức chương trình ngoại khóa “Buôn Ma Thuột trong trái tim em”.

Tham gia chương trình, các em học sinh không chỉ được nghe kể về Chiến thắng Buôn Ma Thuột, những dấu ấn lịch sử tại Nhà đày Buôn Ma Thuột mà còn được khám phá kiến trúc nhà dài của người Êđê, tìm hiểu về vị trí đặc biệt của voi trong đời sống đồng bào M’nông. Những kiến thức vốn chỉ là những dòng chữ khô khan trong sách giáo khoa nay được thể hiện sống động, trực quan, khiến các em thích thú và ghi nhớ sâu sắc.

Em Nguyễn Anh Thư, học sinh lớp 5B, chia sẻ: “Được nghe kể về lịch sử và xem các hình ảnh minh họa sinh động, em cảm thấy như mình đang sống trong những ngày tháng lịch sử hào hùng đó. Em rất biết ơn thế hệ ông cha ngày xưa đã chiến đấu để đất nước được hòa bình như hôm nay”.

Bộ đội Lữ đoàn Đặc công Bộ 198 hướng dẫn các em học sinh Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu tập điều lệnh.

Không dừng lại ở việc “nghe và thấy”, các em còn được “làm và cảm nhận” khi trực tiếp tham gia những hoạt động thú vị như xem biểu diễn võ thuật của các chú bộ đội, tập điều lệnh đội ngũ... và đặc biệt là được hướng dẫn làm cơm nắm – món ăn gắn liền với hình ảnh người lính trong những năm tháng kháng chiến gian khổ. Những nắm cơm nhỏ bé nhưng thấm đẫm mồ hôi, ý chí, đã giúp các em hiểu sâu sắc hơn về tinh thần vượt khó, hy sinh thầm lặng của Bộ đội Cụ Hồ.

Em Lê Thảo Nguyên An, học sinh lớp 4C, xúc động bày tỏ: “Em cảm nhận được rằng để có được ngày hôm nay, ông cha mình đã phải đánh đổi bằng rất nhiều gian khổ. Cơm nắm tuy là một món ăn đơn giản nhưng khi đặt vào thời kỳ chiến đấu lại vô cùng ý nghĩa, em thấy rất xúc động và càng thêm kính trọng các chú bộ đội”.

Tại Trường THCS Phạm Hồng Thái (TP. Buôn Ma Thuột), một chuỗi hoạt động học tập sáng tạo với chủ đề lịch sử đã được tổ chức, thu hút sự tham gia nhiệt tình của học sinh toàn trường. Nổi bật trong số đó là Cuộc thi Rung chuông vàng và hoạt động trưng bày “Góc lịch sử”.

Với chủ đề “Tự hào một dải non sông”, Cuộc thi Rung chuông vàng không chỉ là một sân chơi trí tuệ mà còn là dịp để các em được thử thách tư duy, rèn luyện phản xạ và đặc biệt là ôn lại truyền thống lịch sử oai hùng của dân tộc. Những câu hỏi về lịch sử được thiết kế sáng tạo, lồng ghép kiến thức thực tiễn khiến không khí cuộc thi lúc căng thẳng, lúc rộn ràng, tạo nên một trải nghiệm khó quên cho người chơi lẫn người xem.

Em Nguyễn Phụng Nguyệt Hà, học sinh lớp 9B, hào hứng: “Lần đầu tiên em thấy lịch sử lại thú vị và gần gũi như vậy. Qua đó, em hiểu thêm về những nhân vật lịch sử vĩ đại, những sự kiện đáng nhớ và cũng ý thức được trách nhiệm của bản thân trong việc giữ gìn truyền thống dân tộc. Là một học sinh, em sẽ cố gắng học tập thật tốt để sau này có thể đóng góp một phần vào công cuộc xây dựng Tổ quốc tươi đẹp hơn”.

Các em học sinh Trường THCS Phạm Hồng Thái tìm hiểu lịch sử tại hoạt động trưng bày "Góc lịch sử".

Cùng với đó, trong hoạt động trưng bày “Góc lịch sử” với chủ đề “Việt Nam qua các thời kỳ – Chân dung người anh hùng”, bài dự thi của mỗi lớp là một câu chuyện lịch sử được kể lại bằng hình ảnh, chữ viết, tranh vẽ đầy tâm huyết. Từ thời kỳ Văn Lang – Âu Lạc đến thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, từng sản phẩm trưng bày như những ô cửa sổ mở ra một không gian quá khứ hào hùng, giúp các em “chạm” được vào lịch sử bằng tất cả các giác quan.

Em Lê Ngọc Cát Tường, học sinh lớp 9A, tâm sự: “Chúng em đã cùng nhau tìm hiểu, đọc sách, cắt dán và vẽ minh họa các nhân vật trong mỗi giai đoạn lịch sử. Có khi chúng em thức đến khuya để hoàn thành sản phẩm, tuy mệt nhưng ai cũng vui và tự hào. Lịch sử giờ đây không còn là bài học bắt buộc mà là niềm tự hào, là cảm hứng học tập”.

Việc kết hợp kiến thức trong sách với hoạt động ngoại khóa chính là cách để giáo dục lịch sử phát huy hiệu quả tối ưu. Qua đó giúp các em học sinh không chỉ học để biết, để nhớ mà còn để yêu, để hiểu và biết sống có trách nhiệm hơn.

Thu Thảo


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Ana nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng ngành Y tế huyện Krông Ana đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân, nhất là đối với tuyến y tế cơ sở.