Chưa thi tốt nghiệp đã... “trượt” tâm lý
Chỉ còn hơn một tháng nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra. Đây là thời điểm ngành giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) dồn sức giúp học sinh có hành trang vững vàng nhất về cả kiến thức và tâm lý để bước vào kỳ thi “chốt” 12 năm đèn sách.
Thế nhưng, việc nhiều học sinh lớp 12 của một trường “tự nguyện” nghỉ học trước thềm kỳ thi tốt nghiệp THPT như một dấu lặng buồn khiến chúng ta phải suy ngẫm.
Những ngày qua, dư luận rất quan tâm đến việc một số học sinh lớp 12 được Hiệu trưởng Trường THPT Cao Bá Quát (TP. Buôn Ma Thuột) trao đổi riêng vì kết quả học tập không tốt, có nguy cơ rớt tốt nghiệp cao. Theo kết quả xác minh của Sở GD-ĐT, có ít nhất 2 em đã nghỉ học sau cuộc trao đổi riêng này.
Ngoài ra, từ đầu năm học 2024 – 2025 đến nay, Trường THPT Cao Bá Quát có đến 16 học sinh lớp 12 thôi học, xin bảo lưu kết quả học tập hoặc bỏ học (trong đó có 10 em chỉ mới dừng việc học trong tháng 3 và tháng 4). Sau khi nghỉ học, một số em không có ý định đi học lại; một số em đã đi làm công nhân. Riêng em H.G. xin đi học lại (sau một ngày nộp đơn xin thôi học) nhưng lại bị giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng tìm đủ lý do để từ chối. Chỉ đến khi đoàn xác minh của Sở GD-ĐT làm việc, em mới được nhà trường mời đi học lại(!?)
Quyền được học tập là một nội dung các em học sinh lớp 12 được thầy cô truyền tải trong môn Giáo dục kinh tế và pháp luật. Theo đó, mọi công dân có quyền được học bất cứ ngành, nghề nào phù hợp với bản thân; được học không hạn chế, học thường xuyên, học suốt đời, được tạo điều kiện để phát triển tài năng; được bảo vệ và được tôn trọng trong học tập; được cung cấp đầy đủ các thông tin về việc học tập, rèn luyện được học tập trong môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh…
![]() |
Trường THPT Cao Bá Quát - nơi xảy ra sự việc học sinh "tự nguyện" nghỉ học trước thềm kỳ thi tốt nghiệp THPT. |
Năng lực học tập của mỗi học sinh là khác nhau. Nhiệm vụ của nhà trường là hướng dẫn, định hướng, giáo dục để các em ngày càng tốt hơn, tiến bộ hơn. Việc giáo viên hay hiệu trưởng gặp riêng, trao đổi riêng hoặc có thái độ phân biệt đối xử khiến các em “tự nguyện” nghỉ học, từ bỏ kỳ thi cuối cùng của chặng đường học phổ thông là phản giáo dục, là xâm phạm thô bạo quyền được bình đẳng về học tập của các em.
Câu chuyện của các em học sinh Trường THPT Cao Bá Quát ngay trước thềm Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 đã đặt ra nhiều trăn trở. Trong số hơn 1,1 triệu học sinh cả nước chuẩn bị vượt vũ môn, liệu có bao nhiêu em đã từng được giáo viên gặp riêng vì “có khả năng trượt tốt nghiệp cao” hay có bao nhiêu em đã dừng việc học để giữ con số tỷ lệ "đẹp" cho nhà trường? Đây rõ ràng là biểu hiện của căn bệnh thành tích trong giáo dục, rất cần được chấn chỉnh và xử lý nghiêm trách nhiệm của những người liên quan, góp phần gìn giữ những giá trị tốt đẹp trong học đường.
Bảo Bình
Ý kiến bạn đọc