09:36, 19/07/2011
Trước đây, anh Nguyễn Thế Quang, ở thôn Bình Minh, xã Krông Buk (Krông Pak) đã từng trồng nhiều loại rau nhưng hiệu quả không cao, cuộc sống vẫn không khấm khá lên được. Năm 2008, anh đã học tập mô hình trồng rau má từ những gia đình đi trước để áp dụng cho ruộng rau của mình.
Lúc đầu anh chỉ trồng khoảng 1.000 m2, về sau thấy lợi nên trồng đến 2.000m2. Việc chăm bón cho rau má cũng khá đơn giản: sau mỗi lứa thu hoạch người trồng rau nhổ cỏ hai lần, bón phân, cây rau làm ra đến đâu là tiêu thụ ngay đến đó. Thu nhập từ cây rau má ổn định, kinh tế của gia đình khởi sắc hơn và cây rau má đã trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình.
 |
Nhà anh Quang thu hoạch rau má hàng ngày. |
Hiện nay, một năm ruộng rau má này đã cho gia đình anh thu nhập gần 80 triệu đồng. Anh Quang cho biết: “Rau má, ngoài công dụng chính là làm rau nấu canh, ăn sống thì còn được phơi khô nấu nước, làm sinh tố xem như là thứ nước uống giải khát bổ dưỡng trong những ngày hè. Vùng đất bazan này rất phù hợp để trồng rau má. Nông dân chỉ cần ra phía sau nhà hoặc bờ ruộng bứng những bụi rau má về trồng tập trung lại thành một khu vực, sau đó tiến hành rải phân và tưới nước thường xuyên, sau một tháng là thu hoạch được. Trồng rau má rất nhẹ công chăm sóc, không cần tốn chi phí nhiều mà lợi nhuận mang lại rất cao. Chỉ cần trồng một lần là thu hoạch đến trên 3 năm. Giá trung bình mỗi ký rau má bán được 10.000 đồng, những lúc cao điểm giá bán có thể lên đến 15.000 đồng/kg. Mỗi lần hái từ 50kg đến 70kg tùy thời điểm”. Cũng theo anh Quang, trồng rau má không khó, nhưng muốn cho hiệu quả cao thì phải chăm chỉ cần mẫn trong chăm sóc và thu hái. Rau hái xong được gia đình cẩn thận loại bỏ rau xấu, rau già, cỏ lẫn lộn, rồi đóng gói chở ra chợ đêm, bán lẻ, hoặc cung cấp cho các quán ăn, nhà hàng. Sự chịu khó này không phải ai cũng làm được. Song cũng chính từ đây mà kinh tế gia đình anh Quang trở nên khá giả nhờ rau má. Anh chị đang chuẩn bị xây nhà lớn vào cuối năm nay khi mà cuộc sống đã có của ăn của để.
Xuân Hòa
Ý kiến bạn đọc