Xây dựng và định hình văn hóa cà phê Dak Lak: CẦN MỘT CÁCH NHÌN TỔNG THỂ
Thư giãn cùng cà phê trong không gian văn hóa cà phê đã trở thành nét đẹp của người dân Buôn Ma Thuột. |
Phát huy từ những giá trị có sẵn
Trên các con phố trong nội, ngoại thành Buôn Ma Thuột ngày càng nhiều quán cà phê mở ra và được quan tâm, đầu tư công phu hơn. Từ phòng lạnh, quầy bar, sân vườn… cho đến Làng cà phê rộng 5-7 ha của Trung Nguyên được thiết kế, trang trí vô cùng chuyên nghiệp dựa trên nhu cầu, cảm nhận văn hóa rất riêng của khách hàng. Theo anh Hồng Phú, một kiến trúc sư trẻ chuyên “đề - co” nội thất và ngoại cảnh cho các quán cà phê ở Buôn Ma Thuột cũng như ở các địa phương trong tỉnh nhận xét: Gạt đi những hạn chế do nhận thức từ đời sống thời hội nhập trong một bộ phận nhỏ giới trẻ chi phối trong cách trang trí, cách thưởng thức… thì hầu hết những quán cà phê mở ra ở đây đã trở thành không gian sinh họat, giao tiếp mang nét văn hóa đặc thù của vùng đất nổi tiếng về cà phê. Thưởng thức cà phê ở Buôn Ma Thuột không chỉ để kích cầu khả năng tiêu thụ cà phê bột tăng lên 18-20% sản lượng sản xuất hàng năm, mà thông qua “kênh” này để đưa văn hóa cà phê từng bước tiếp cận với mọi người. Uống cà phê để gắn kết với sự hiểu biết về đời sống sản xuất, qui trình chế biến ra thức uống “quyến rũ” này là ý tưởng của nhiều doanh nghiệp hiện nay. Trong đó Trung Nguyên với Làng cà phê ở Buôn Ma Thuột là một trong khởi điểm tiên phong để hướng đến triết lý “Cà phê đạo” ở Việt Nam như Trà đạo của Nhật Bản có từ vài trăm năm trước.
Không gian lý tưởng cho thưởng thức cà phê. (Ảnh: Lan Anh) |
Vai trò “chủ thể” của văn hóa cà phê
Theo đánh giá của bà Ninh trong cuộc Hội thảo “Hiện thực hóa Thiên đường cà phê Buôn Ma Thuột” do Trung Nguyên khởi xướng vào cuối năm 2008, thì phải tập trung mọi nguồn lực đầu tư có chiều sâu và bền vững cho hàng vạn hộ nông dân sản xuất cà phê ở Dak Lak hiện nay. Để làm sao khi nhìn vào đó, ai cũng nhận ra đời sống của người làm cà phê có nét khác biệt so với các vùng, miền khác trong cung cách, suy nghĩ, sản xuất và hưởng thụ. Và chính bản thân sự khác biệt ấy đã hàm chứa các giá trị về văn hóa cà phê mà chúng ta đang hướng tới và xác lập bước đầu. Cùng chung ý tưởng này, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Huy Ngọ cho rằng, bàn đến văn hóa cà phê - hạt nhân quan trọng để biến mảnh đất này thành “Thiên đường cà phê” mà không thấy được sự khác biệt giữa đời sống của người làm cà phê với người trồng lúa, trồng bắp… thì chỉ là chuyện không tưởng! Bởi nói cho cùng, đời sống thực tế sinh ra các giá trị văn hóa và chính văn hóa tác động trở lại chi phối đời sống đang diễn ra. Ông Ngọ cũng như nhiều nhà quản lý, các nhà nghiên cứu văn hóa, xã hội có mặt tại hội thảo trên đều có chung góc nhìn: Văn hóa cà phê phải được xây dựng, hình thành trên chuỗi giá trị vật chất và tinh thần của nó. Và chuỗi giá trị đó được đo đếm bằng chính nỗ lực của cả “cộng đồng sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ cà phê” làm nên, dù trực tiếp hay gián tiếp. Từ suy nghĩ đó, hy vọng qua Lễ hội Cà phê lần này, chủ thể của giá trị văn hóa ấy sẽ được tiếp tục quan tâm, tôn vinh thêm; mở ra nhiều cơ hội tốt hơn cho hạt cà phê Dak Lak khẳng định vị thế của mình trong đời sống kinh tế - xã hội của địa phương.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc