Tương lai chính trị tại Ai Cập vẫn mịt mù, bất định
Cuộc đối đầu giữa quân đội và Tổ chức Những người anh em Hồi giáo đang trở nên ngày càng rõ nét tại Ai Cập. Tương lai chính trị tại quốc gia Bắc Phi này - một thời vẫn được coi là đầu tàu của thế giới Arab vẫn rất mịt mù, bất định.
![]() |
Cử tri Ai Cập đi bỏ phiếu bầu cử Tổng thống vòng 2. (Nguồn: Internet) |
Kết quả chính thức cuộc bầu cử Tổng thống vòng 2 được công bố vào ngày 21-6. Cùng lúc, Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang cầm quyền tại Ai Cập cũng tuyên bố sẽ chuyển giao quyền lực cho Tổng thống đắc cử vào cuối tháng 6 này một cách không chậm trễ. Với những diễn biến mới này, nhiều người tin rằng, chính trường Ai Cập đang dần vào thế ổn định.
Tuy nhiên, số đông khác lại có một cái nhìn hoàn toàn trái ngược. Luồng quan điểm này cho rằng, cuộc đối đầu giữa quân đội và Tổ chức Những người anh em Hồi giáo, hai thế lực có ảnh hưởng và thực lực lớn nhất tại Ai Cập, đang trở nên ngày càng rõ nét hơn.
Trong số ra mới đây, tờ Le Monde của Pháp kết luận, quân đội Ai Cập và Những người anh em Hồi giáo không thể ngồi chung một ghế quyền lực tại Ai Cập. Nói cách khác, chính trường Ai Cập không có chỗ cho cả quân đội và Những người anh em Hồi giáo cùng tồn tại và hoạt động.
Thực tế hơn 30 năm qua đã chứng minh điều này. Dưới chế độ quân quản của Tổng thống Hosni Mubarak và thậm chí ngay cả sau khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ năm 2011, Những người anh em Hồi giáo vẫn chưa một lần được công nhận là một tổ chức chính trị hợp pháp. Tờ Le Mode khẳng định, quân đội Ai Cập chưa bao giờ muốn chia sẻ quyền lực với Những người anh em Hồi giáo.
Tuy nhiên, với nhận thức về sức ảnh hưởng to lớn của mình tại quốc gia có tới 80% dân số là tín đồ Hồi giáo, Những người anh em Hồi giáo đã tìm mọi phương cách để thâm nhập đời sống chính trị tại Ai Cập, đặc biệt là sau cuộc cách mạng lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak. Trong cuộc bầu cử Quốc hội cuối năm 2011, dưới danh nghĩa các ứng cử viên tự do, các ứng cử viên của Những người anh em Hồi giáo đã nhận được sự ủng hộ lớn của cử tri và giành hơn một nửa số ghế trong cơ quan lập pháp mới.
Còn trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa diễn ra, trên danh nghĩa ứng cử viên của đảng Tự do và Công lý Ai Cập, ứng cử viên Mursi, một cựu thành viên của Những người anh em Hồi giáo, đang được nhận định là sẽ giành chiến thắng trước ứng cử viên tự do Ahmed Shafik, một tướng quân đội dưới thời Hosni Mubarak. Khả năng trở thành Tổng thống mới của cựu thành viên Những người anh em Hồi giáo được dư luận khu vực đánh giá là rất cao.
Nhận thức rõ nguy cơ này, liên tiếp trong 2 ngày 15 và 17-6, Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập đã ra quyết định giải tán Quốc hội do Những người anh em Hồi giáo chiếm đa số; ra Tuyên bố Hiến pháp về việc hạn chế quyền lực của Tổng thống tương lai, đồng thời tăng cường quyền lực của Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang, trong đó có quyền lập pháp và quyết định chiến tranh.
Theo nhà phân tích chính trị Qatar Abdullah Sali, điều này có nghĩa là, ngay cả khi giành chiến thắng và trở thành Tổng thống mới của Ai Cập, ông Mursi cũng như Những người anh em Hồi giáo, sẽ không có được quyền lực tối cao như cựu Tổng thống Hosni Mubarak. Quyền lực thực sự vẫn nằm trong tay quân đội Ai Cập.
Theo giới phân tích, có nhiều nguyên nhân khiến quân đội Ai Cập không muốn trao quyền kiểm soát đất nước cho Những người anh em Hồi giáo. Trong đó, việc lo sợ phá vỡ tính thế tục tại Ai Cập khi Những người anh em Hồi giáo lên nắm quyền là một trong những nguyên nhân cơ bản.
Một nguyên nhân quan trọng khác là quân đội Ai Cập không muốn phá vỡ hiệp định hoà bình đã tồn tại hơn 30 năm qua với Israel. Không ai dám đảm bảo chắc chắn rằng, hiệp định hoà bình này sẽ được duy trì khi Những người anh em Hồi giáo giành quyền lực tối cao. Và đây cũng là điều mà Chính phủ Mỹ luôn quan ngại. Đó là chưa kể đến một triết lý đơn giản rằng, quân đội Ai Cập, hay bất kỳ một quân đội nào khác, không dễ dàng từ bỏ siêu quyền lực của mình khi thời cơ lịch sử đang trao cho họ.
Quyết tâm duy trì quyền lực của quân đội Ai Cập trong giai đoạn trước mắt là khá rõ ràng. Tuy nhiên, với vị thế và tầm ảnh hưởng to lớn của mình, Những người anh em Hồi giáo tại Ai Cập chắc chắn sẽ không chịu buông tay, nhất là khi họ nhận được sự ủng hộ lớn ở cả trong và ngoài nước. Phản kháng của Những người anh em Hồi giáo với các quyết định của Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập là điều chắc chắn xảy ra.
Giới phân tích khẳng định, giới hạn phản kháng của Những người anh em Hồi giáo là không xác định. Xung đột quyền lực giữa quân đội và Những người anh em Hồi giáo là điều khó tránh khỏi. Hệ luỵ của nó có thể là nguy hiểm khôn lường. Lời cảnh báo của phe ủng hộ Những người anh em Hồi giáo về một cuộc cách mạng mới tại Ai Cập là không thể bỏ qua. Tương lai chính trị tại quốc gia Bắc Phi - một thời vẫn được coi là đầu tàu của thế giới Arab vẫn rất mịt mù, bất định.
Nguồn VOV
Ý kiến bạn đọc