Multimedia Đọc Báo in

Gia tăng bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng

08:15, 13/05/2022

Các bệnh không lây nhiễm (BKLN) như tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh đường hô hấp mạn tính đang là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nước ta hiện nay. BKLN tạo ra gánh nặng bệnh tật rất lớn do hầu hết những người mắc bệnh phải điều trị suốt đời, tỷ lệ tàn phế và tử vong cao.

Theo số liệu của Bộ Y tế, Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật kép. Trong khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp thì gánh nặng bệnh tật và tử vong do các BKLN chủ yếu gồm bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh hô hấp mạn tính đang gia tăng nhanh. Các BKLN đang là nguyên nhân tử vong hàng đầu, lớn hơn tất cả các nguyên nhân tử vong khác cộng lại. Năm 2019, ước tính cả nước có 592.000 ca tử vong do các BKLN, chiếm 81,4% tổng số tử vong do mọi nguyên nhân.

Tỷ lệ mắc các BKLN phổ biến cũng đã tăng nhanh qua các năm và số người mắc bệnh trong cộng đồng hiện tại rất lớn. Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ mắc tăng huyết áp ở người trưởng thành năm 2021 là 26,2%, tương đương với khoảng 17 triệu người; tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường/tăng đường huyết ở người trưởng thành là 7,06%, tương đương với 4,6 triệu người. Đối với ung thư, theo số liệu công bố của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC), ước tính năm 2020 Việt Nam có 182.500 ca mắc mới ung thư. Những bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới là ung thư gan, phổi, dạ dày, đại trực tràng và tiền liệt tuyến. Những bệnh ung thư phổ biến nhất ở nữ giới gồm ung thư vú, phổi, đại trực tràng, dạ dày và gan. Ước tính từ một nghiên cứu dịch tễ học, tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) trong cộng đồng dân cư từ 40 tuổi trở lên là 4,2%.

Bệnh nhân mắc đái tháo đường đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Tại Việt Nam năm 2019, gánh nặng của các BKLN đang chiếm tới 73,7% tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc, trong đó bệnh tim mạch chiếm 20,5%, ung thư 13,3%, bệnh hô hấp mạn tính 4% và đái tháo đường chiếm 3,9% tổng gánh nặng bệnh tật. Các rối loạn tâm thần kinh (bao gồm rối loạn tâm thần, động kinh, sa sút trí tuệ...) chiếm 5,3% tổng số tử vong và gây ra gánh nặng bệnh tật rất lớn.

Tại Đắk Lắk, theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, toàn tỉnh hiện có hơn 55.000 bệnh nhân mắc bệnh tăng huyết áp đang được quản lý, hơn 30.000 bệnh nhân mắc đái tháo đường, 4.000 bệnh nhân mắc bệnh COPD và hen phế quản, hơn 22.000 bệnh nhân mắc các BKLN khác. Trong đó, riêng năm 2021, ghi nhận 5.488 trường hợp tử vong vì các BKLN.

Theo bác sĩ Hoàng Hải Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, BKLN đang là "tảng băng chìm" gây ra nhiều gánh nặng và đang được thế giới cũng như các tổ chức quan tâm hướng tới để phòng, chống. Năm 2021, Đắk Lắk được chọn là một  trong 8 tỉnh được Công ty TNHH Novartis Việt Nam, Chương trình Sống Khỏe, Quỹ Tim mạch tài trợ các hoạt động phòng, chống BKLN. Với việc tập trung vào khám sàng lọc trong cộng đồng, đo huyết áp, đo đường huyết, xét nghiệm đường máu…, trong năm qua, các chương trình đã góp phần mang lại nhiều thành quả cho tỉnh trong việc phòng, chống các BKLN. Bên cạnh hoạt động của các chương trình được tài trợ, để hoạt động phòng, chống BKLN đạt hiệu quả, ngành y tế tỉnh cũng chú trọng tăng cường năng lực cho các trạm y tế tuyến xã để hoạt động quản lý bệnh nhân được thực hiện tại cộng đồng. Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch phòng, chống BKLN và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 - 2025 trình Sở Y tế để hoạt động phòng, chống BKLN và rối loạn sức khỏe tâm thần trên địa bàn tỉnh triển khai hiệu quả hơn. “Để công tác phòng, chống các BKLN đạt hiệu quả, cần tổ chức hiệu quả các hoạt động truyền thông nâng cao sức khỏe; trong đó có truyền thông, hướng dẫn, hỗ trợ người dân biết cách tự phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh để đi khám, chữa bệnh kịp thời, biết tuân thủ điều trị tại nhà khi mắc bệnh. Bên cạnh đó, cần phát triển, nâng cao năng lực hệ thống y tế các tuyến, tăng cường y tế cơ sở để tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình, hoạt động sàng lọc, phát hiện bệnh sớm và thực hiện quản lý, điều trị, chăm sóc lâu dài người mắc bệnh, tập trung giải quyết các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, bệnh hô hấp mạn tính và các rối loạn tâm thần phổ biến” - bác sĩ Hoàng Hải Phúc nhấn mạnh.

Trong thời điểm hiện nay, ngành y tế đang thực hiện "mục tiêu kép", vừa phải phòng, chống các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, COVID-19..., vừa thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống các BKLN. Do đó, bên cạnh nỗ lực của ngành y tế, rất cần sự chung tay vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là người dân trong việc tuân theo hướng dẫn và khuyến cáo của ngành y tế như tập thể dục thường xuyên, hạn chế bia, rượu, giảm muối trong thực phẩm khi chế biến và từ bỏ thói quen hút thuốc lá… để góp phần nâng cao sức khỏe, phòng tránh bệnh tật.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) 7 nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Chương trình số 56-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 46 –NQ/TW, ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về “Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới”.