Multimedia Đọc Báo in

Nghe thí sinh lớn tuổi nhất kể chuyện học và thi

09:51, 08/07/2022

Mặc dù năm nay đã bước sang tuổi 50, thế nhưng anh Y Blũn Niê (xã Ea Nam, huyện Ea H’leo) vẫn tranh thủ học, tranh thủ đi thi vừa để có tấm bằng tốt nghiệp THPT vừa làm gương cho con cháu, đồng bào thiểu số trong buôn làng.

Đó là câu chuyện thực tế của sĩ tử lớn tuổi nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 tỉnh Đắk Lắk tại Điểm thi Trường THPT Võ Văn Kiệt (huyện Ea H’leo). Ðến với con chữ khi sắp lấy vợ song anh Y Blũn Niê, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Ea Nam vẫn tranh thủ thời gian học ôn tập mọi lúc, mọi nơi khi rảnh rỗi với quyết tâm thi lấy tấm bằng THPT.

Đây là lần thứ 2 anh đăng ký thi tốt nghiệp. Lần thi đầu tiên vào năm 2019, khi ấy anh dự thi với 2 cô con gái sinh đôi. Kết quả là anh thiếu 0,25 điểm, qua phúc khảo cũng không đủ điểm đậu tốt nghiệp. Anh Y Blũn nhớ lại, năm 2019 tôi dành thời gian rất nhiều để ôn luyện cùng các con nhưng lại không đậu. Dù bản thân không đậu nhưng hai con của tôi đều đậu tốt nghiệp; một đứa đang bán tạp hóa ở nhà, đứa còn lại đang học sư phạm mầm non.

a
Anh Y Blũn Niê rời khỏi trường thi sau khi hoàn thanh ngày thi đầu tiên.

Kể về sự học của mình, anh Y Blũn chia sẻ, những năm 1980, buôn Briêng (xã Ea Nam) là vùng “trũng” không có trường học nên hằng ngày ông theo bố mẹ lên nương làm rẫy. Về sau, gia đình chuyển đến nơi ở mới gần trường học (cũng thuộc buôn Briêng) sinh sống. Người thân thấy những đứa trẻ trong buôn đi học nên cũng động viên gia đình tôi tạo điều kiện cho con đến trường. Lúc này, anh Y Blũn đã 12 tuổi, bố mẹ cũng hỏi ý kiến và tôi dù rất ngại khi mình đã ở độ tuổi sắp lấy vợ (ngày xưa thanh niên trong buôn lập gia đình ở tuổi 15-17) nhưng vẫn quyết định đi học. Lần đầu đến lớp, tôi rất ngại khi mình khá to cao còn bạn học trong lớp lại rất nhỏ, anh Y Blun nhớ lại.

Dần dần, anh bắt nhịp với con chữ. Hằng ngày, anh cùng 1 người bạn trong buôn đi bộ hơn 5 km tới trường. Không giày dép, mũ nón, thậm chí áo quần còn chắp vá đủ kiểu nhưng anh vẫn kiên trì cho đến khi học xong lớp 5. Nghĩ lại chuyện cũ, anh Y Blun thầm cảm ơn bố mẹ vì dù đói khổ vẫn cho con đi học. Thời đó, trong buôn chỉ có anh và 1 người bạn nữa được đi học, còn lại đi chăn bò thuê kiếm tiền phụ gia đình.

Học xong tiểu học, anh Y Blun ở nhà làm rẫy. Tuy vậy, khát khao con chữ vẫn sục sôi trong mình nên anh quyết định học vào Trung tâm giáo dục thường xuyên để học tiếp. Tốt nghiệp THCS, anh Y Blun lập gia đình, một lần nữa, sự nghiệp con chữ phải dừng lại. Thời gian này, anh tham gia công tác đoàn, dần dần trải qua nhiều vị trí như: Bí thư Đoàn buôn, Công an viên buôn, Bí thư kiêm Trưởng buôn. Năm 2005, anh được bầu làm Phó chủ tịch HĐND xã Ea Nam. Hơn 1 năm sau anh giữ chức Chủ tịch HĐND và làm đủ 2 nhiệm kỳ. Đến năm 2017, ông được tín nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ea Nam cho đến nay.

a
Lực lượng thanh niên tình nguyện thăm hỏi, trao đổi với anh Y Blũn Niê (bên phải) về kết quả bài thi.

Sau này, nhìn các con đi học, anh lại muốn đồng hành và quyết định đăng ký học chương trình bổ túc 1 năm 2 lớp. Hai năm sau, anh Y Blun dự thi tốt nghiệp THPT nhưng không đậu. “Dù bạc đầu tôi vẫn đi thi tốt nghiệp để có tấm bằng. Mỗi lần xuống cơ sở, tôi hay chia sẻ câu chuyện học hành của bản thân để tuyên truyền, vận động bà con quan tâm để việc học hành của con cái. Nhiều bà con dân tộc thiểu số không biết chữ rất vất vả, nhất là những lúc có việc ký tá giấy tờ hay giao dịch mà không biết nên khổ đủ đường. Hơn thế nữa, tôi luôn quan niệm, phải có cái chữ, phải đi học mới mở mang đầu óc, biết cách trồng, chăm sóc cây sao cho nhiều quả thì cuộc sống mới bớt khó khăn”, anh Y Blũn tâm sự.

Chia sẻ về kết quả bài làm hai môn Ngữ văn và Toán trong ngày thi đầu tiên, anh Y Blũn Niê cho biết, ông đã cố gắng làm bài nhưng không biết kết quả thế nào. Dù vậy, ông vẫn thoải mái tư tưởng để cố gắng thi tốt trong các môn thi tiếp theo. Trước đó, vào chiều 6/7, vì bận giải quyết công việc nên không đến điểm thi để làm thủ tục dự thi. Do đó, từ sáng sớm 7/7, ông đã dậy rất sớm và xuất phát từ nhà lúc 5 giờ để kịp đến điểm thi thực hiện thủ tục theo quy định.  

Nhóm Phóng viên Văn hóa – xã hội

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.