Multimedia Đọc Báo in

Tìm về ký ức

15:52, 29/08/2022

Cơ quan giáo dục H9 (Krông Bông) nằm giữa rừng le, sau nhà có gò đất cao làm chỗ dựa. Nhà nhìn hướng Đông, có sông Krông Bông dào dạt đêm ngày nên không lo thiếu nước, thiếu củi, tiện đường giao liên qua lại của cơ quan Huyện ủy và nơi trao trả tù binh là HC38.

Chọn địa điểm này thật là lý tưởng. Chỉ có điều cạnh đó có ngôi mộ của một chị dân công người Êđê gùi hàng bị nước cuốn trôi, đồng đội đắp ngôi mộ nhỏ. Vài người e ngại muốn chọn địa điểm khác nhưng tôi nói: Đây là đồng chí của mình, hy sinh khi làm nhiệm vụ nên sẽ phù hộ cho mình, cứ yên tâm đi! Thế là ngôi nhà khang trang trong điều kiện ở rừng đã hoàn thành. Có giá để ba lô, có bàn uống nước vừa làm bàn viết. Nhất là các cọc để buộc võng phải chắc chắn, đủ cho chủ nhà và khách qua đường. Bước chân chúng tôi đi mòn lối từ buôn Ngô, buôn Khanh, buôn Chàm… đến Quảng Cư, Phước Trạch, Thăng Lễ, Khuê Ngọc Điền… Cung đường nào cũng đong đầy kỷ niệm.

Các đồng chí chủ chốt của ngành giáo dục Đắk Lắk thời điểm năm 1976. Ảnh chụp lại
Các đồng chí chủ chốt của ngành giáo dục Đắk Lắk thời điểm năm 1976. (Ảnh chụp lại)

Đường từ cơ quan đi Thăng Lễ phần lớn dưới rừng le. Có hai ngôi mộ của chiến sĩ quân giải phóng người Thái Bình, hy sinh khi chặn địch xâm nhập vùng giải phóng. Lần nào đi qua tôi cũng dừng lại khấn các anh, mong các anh phù hộ. Không có hương thì có tấm lòng thành kính. Có lần tôi tìm được hoa dại cắm trên mộ, mong các anh thanh thản. Có lần tôi lười leo dốc, đi theo đường bằng mà trước đây là đường xe chạy vào các dinh điền thì bị trực thăng quần thảo, gọi chiêu hàng và có ý định bắt sống. Không còn cách nào khác, tôi bắn một băng đạn AK rồi chạy về hướng rừng già. Địch cũng bắn hú họa rồi bay đi. Tôi đã từng viết về nhân dân anh hùng tạo nên lịch sử anh hùng ở vùng căn cứ Khuê Ngọc Điền. Khuê Ngọc Điền chia làm hai thôn gọi là thôn 1 và thôn 2. Ba Lại là xã đội trưởng ở thôn 1, có vợ là Bốn Xuân, con gái là cháu Hương mới ba tuổi. Có lần địch tràn vào căn cứ, Ba Lại dẫn du kích chặn địch cho dân rút chạy vào rừng sâu. Ba Lại đánh lạc hướng địch, rút chạy sau cùng. Anh chạy vào hang đá bị địch truy kích. Hang sâu, tối, chỉ có một cửa ra vào. Ba Lại đánh liều leo lên vòm hang. Hai chân duỗi ra bám vào gờ đá. Hai tay giang rộng để đỡ người. Địch ở dưới tìm không thấy. Chỉ khổ cho Bốn Xuân cùng dân làng khóc hết nước mắt, tưởng Ba Lại bị bắt sống hay đã chết, thì anh cười hề hề ngay sau lưng. Kể lại chuyện này, Ba Lại vẫn cười tươi như không có chuyện gì xảy ra. Sau giải phóng, anh là Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Krông Bông.

Ở Khuê Ngọc Điền có những địa danh được xuất hiện từ thời đánh Mỹ. Tôi nhớ những địa danh hằn sâu trong ký ức khi hỏi thăm đường đi. Cầu Cháy là tên cây cầu ta mật phục, đánh lui tiểu đoàn bảo an, dân vệ càn vào căn cứ, bị ta đốt cháy để chặn địch. Dốc Xe Đổ là nơi ta gài mìn phá xe của địch. Đồi Bắn Máy Bay là trận địa của ta bắn máy bay địch định đổ quân vào căn cứ. Trong hàng ngũ những người bắn máy bay có giáo viên Nguyễn Văn Đễ, dạy học ở thôn 2 nay vẫn còn, vẫn về dự gặp mặt cán bộ giáo viên thời kháng chiến những dịp lễ, Tết.

Có một chuyện mà các thế hệ sau không hình dung nổi sự ác liệt của chiến tranh. Người dân Khuê Ngọc Điền đi đào củ, hái rau, đi từng tốp, có tổ chức. Người đi trước phải cầm cành le, nhẹ nhàng nhích dần về phía trước xem có mìn do địch gài hoặc bom bi chưa nổ để tháo gỡ. Rồi người đi sau mới mang gùi để hái rau, lấy củ. Sau cùng là những cáng thương sẵn sàng nếu có người bị thương. Con người tồn tại trong ác liệt.

Xin nêu một con số: Khi lập dinh điền, Khuê Ngọc Điền có hơn 6.000 người, bị địch o ép, xúc tát, vùng căn cứ chỉ còn hơn 300 người. Bí thư Huyện ủy H9 là Trần Trương (anh Thọ) nói với tôi: Đây là ngọc trên sàng, quý lắm!

Kế bên nhà Ba Lại là nhà chị Chín Kiển. Hoàn cảnh của gia đình còn thê thảm hơn. Một lần đang ăn cơm thì bị địch câu pháo vào đúng mâm cơm. Anh Kiển cùng con trai chết ngay tại chỗ. Chị Chín bị mảnh pháo làm mù cả hai mắt. Cháu Thu thoát chết nhưng bị sức ép của pháo làm ngất đi, sau này điếc cả hai tai, nhìn người nói chuyện qua khẩu hình mà đoán ý. Thế mà cháu vẫn đi học. Con suối chạy ngang xóm, tách riêng ba nhà, tôi gọi vui là xóm ba nhà, có cái cầu bằng thân cây qua suối. Ngoài gia đình Ba Lại, Chín Kiển, nhà thứ ba là nhà chú Xứng, nơi tôi tá túc khi về Khuê Ngọc Điền. Ông là người Quảng Ngãi, một lòng với cách mạng. Vợ mất sớm, các con đều tham gia kháng chiến. Tôi không biết tên chú là gì, gọi chú kèm theo tên con gái đầu lòng. Con trai tên là Đích làm công vụ, tạp vụ cho Ban giáo dục tỉnh, sau giải phóng đổi tên là Đức, làm Công an tỉnh. Con gái út tên là Đời, còn nhỏ cũng vượt Trường Sơn để ra Bắc học tập, sau giải phóng về làm việc tại Thư viện Trường Cao đẳng Sư phạm. Nói nhiều về “xóm ba nhà” vì gắn bó và gần gũi yêu thương. Có năm 19 lần địch càn quét, cháu Thu mới 8 tuổi dắt mẹ theo dân làng vào rừng sâu tránh giặc. Với cháu Thu, tôi viết riêng bài thơ Dắt mẹ lánh càn. Bài thơ viết gần nửa thế kỷ, đọc lại vẫn nghẹn ngào: “Ôi một năm 19 lần chạy giặc/19 lần như thế, chưa quên/Vắt, muỗi, đói, đau, áo, quần xơ xác/Rừng núi xanh dày che chở bước em”.

Tôi không nhớ ai đã viết câu: Ra ngõ gặp anh hùng! Thì H9 thân yêu của tôi đúng là như vậy! Ký ức ùa về sống động mà không giấy bút nào ghi chép hết. Tôi cảm ơn đồng bào, đồng chí đã cưu mang để hôm nay có đôi dòng về một thời không quên – Ký ức một thời.

Hữu Chỉnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.