Multimedia Đọc Báo in

Vang vọng tiếng sóng trùng dương

07:35, 30/10/2021

Dù đã từng hay chưa một lần đặt chân đến, thì biển đảo Việt Nam vẫn luôn khắc sâu trong tâm thức người Đắk Lắk và là máu thịt không thể tách rời của đất mẹ quê hương.

May mắn hai lần được đặt chân đến quần đảo Trường Sa, Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Lý Thị Hạnh (nhân viên Văn phòng, Bộ đội Biên phòng tỉnh) luôn tâm niệm đó là hạnh phúc vô giá, không gì đong đếm được. Vào năm 2008 và năm 2014, trong vai trò là cán bộ tuyên truyền văn hóa văn nghệ chị đã cùng Đoàn công tác mang lời ca tiếng hát nơi đất liền ra gửi tặng các chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió.

Chạm chân đến các hòn đảo sau những giờ lênh đênh giữa trùng khơi là niềm xúc động vô bờ khi chứng kiến nơi ăn ở, sinh hoạt, điều kiện sống của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo. Cũng là người lính, nên chị càng thêm tự hào, xúc động và cảm phục đồng đội mình đã vượt qua sự thiếu thốn, gian nguy để bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Tâm thế và tình yêu dành cho biển như động lực để cả đội tuyên truyền hát bằng cả trái tim, cống hiến những tiết mục, lời ca sâu lắng, truyền cảm.

Chị Hạnh nhớ lại: “Ngày về lại đất liền, có chiến sĩ đã gửi tặng chúng tôi bông hồng làm từ con ốc biển. Món quà nhỏ như đong đầy tiếng sóng khơi xa mà ai cũng mong neo giữ theo suốt cuộc đời…".

Các em học sinh tham quan Triển lãm lưu động “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” trên địa bàn huyện Ea Súp.

Dẫu cách xa muôn trùng, nhưng biển đảo luôn gần gũi, yêu thương trong trái tim người dân Đắk Lắk. Tại nhiều chương trình nghệ thuật lớn trên địa bàn tỉnh, các giai điệu về biển đảo vẫn luôn được ưu tiên và vút cao như gửi ngàn yêu thương về trùng khơi xa. Trong các hội trại truyền thống 10-3 của tỉnh, nhiều mô hình trại mô phỏng lại cánh buồm vươn khơi, con thuyền, cột mốc chủ quyền… được các bạn trẻ sáng tạo, dày công hoàn thiện như một niềm mong mỏi sớm được đặt chân đến vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Rất nhiều chương trình, hoạt động trên địa bàn tỉnh hướng về biển đảo như: Giao lưu với các chiến sĩ hải quân; “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương”; Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử"; phong trào “Nuôi heo đất hướng về nghĩa tình biên giới hải đảo”; tham gia Cuộc thi “Tìm hiểu về biển, đảo Việt Nam và 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển”… đã và luôn được quan tâm, tiếp nối bằng nhiều cách thức, nhưng cùng chung ý nghĩa, tình yêu dành cho biển đảo.

Mới đây nhất, tháng 5-2021, Hội đồng Đội tỉnh phối hợp với Nhà văn hóa Thanh thiếu nhi tổ chức khánh thành công trình “Khu vườn thiếu nhi Đắk Lắk với biển đảo Tổ quốc”. Công trình tọa lạc nổi bật giữa không gian Nhà văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh, trên diện tích chừng 200 m2. Quần đảo hội tụ các hòn đảo như Trường Sa, Đá Nam, Sinh Tồn Đông, Song Tử Tây… với đầy đủ tên gọi, vĩ độ, kinh độ. Nổi bật giữa công trình, khối hình cột mốc chủ quyền được bao bọc, chở che bởi lá cờ Tổ quốc cùng lời khẳng định “Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam”.

Tham quan công trình “Khu vườn thiếu nhi Đắk Lắk với biển đảo Tổ quốc”.

Nếu chạm chân đến Trường Sa là niềm mong mỏi của biết bao người, thì mô hình thu nhỏ nói trên, như một phần đáp ứng ước muốn ấy. Trực quan, sinh động, sáng tạo trong cách xây dựng, mô hình thu hút đông đảo người tham quan mỗi khi Nhà văn hóa triển khai các chương trình, hoạt động.

Chị Nguyễn Thị Thúy Hiền, Phó Giám đốc phụ trách Nhà văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh tâm tình: từ ý tưởng đưa biển đảo đến gần hơn với người dân, đặc biệt là lớp trẻ, đơn vị đã phối hợp lên kế hoạch xây dựng và thực hiện trong nhiều tháng liền. Công trình được khánh thành vào ngày 19-5 như một món quà của thanh thiếu nhi Đắk Lắk nhân dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh. Thời gian tới, các đơn vị sẽ tiếp tục hoàn thiện công trình để nơi đây luôn là điểm đến đặc biệt mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc, thể hiện niềm tự hào về tình yêu biển đảo thiêng liêng trong mỗi người…

Dù đã đến, chưa đến hay sẽ đến, thì biển đảo trong trái tim người dân Đắk Lắk vẫn luôn thế. Đó là lãnh thổ thiêng của Tổ quốc luôn được hướng về bằng những việc làm, hành động như một quyết tâm gìn giữ cho muôn đời....

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.