Multimedia Đọc Báo in

Người lao động chật vật trong “bão giá”

08:21, 04/04/2022

Giá nhiều mặt hàng tăng cao trong thời gian vừa qua đã ít nhiều tác động đến đời sống của người dân, đặc biệt với dân lao động tự do. Giữa “bão giá”, họ phải chắt bóp chi tiêu để lo cho gia đình.

Vừa thoát khỏi tình trạng F0 được một tuần, bà Trần Thị Thanh (thuê trọ tại phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn chưa đủ sức khỏe đi nhặt ve chai kiếm sống qua ngày. Trong căn trọ chật hẹp do 3 người góp lại thuê với giá 1.200.000 đồng/tháng, bà Thanh tâm sự: “Tôi nhặt ve chai từ sáng sớm đến chiều mới kiếm được 60.000 - 100.000 đồng tùy ngày. Số tiền ít ỏi ấy, tôi phải tính toán lắm mới đủ trang trải tiền thuê trọ, điện, gas, ăn uống… Tuy nhiên hiện nay, nhiều mặt hàng thiết yếu tăng giá, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống. Mọi hôm, loại dầu ăn giá rẻ chỉ hơn 20.000 đồng nhưng nay lên tới 40.000 đồng; rau, củ, thịt cá, gas… cũng tăng khiến tôi chóng mặt”.

Bà Thanh không dùng xe máy đi nhặt ve chai vì sợ không đủ tiền đổ xăng.

hỉ về chiếc xe máy đời cũ “đắp chăn” trước phòng trọ, bà Thanh cho hay, khi nào về quê Buôn Đôn thì mới dùng đến, chứ nhặt ve chai mà đi xe máy thì không đủ tiền xăng. Do di chứng hậu COVID-19, bà Thanh hay mệt mỏi nên đang tìm việc phụ quán ăn trên địa bàn cho ổn định. Công việc này bà đã làm 10 năm nhưng vì dịch COVID-19 nên thất nghiệp. Dẫu vậy, công việc tưởng chừng dễ tìm cũng không mấy suôn sẻ khi nhiều cơ sở kinh doanh tận dụng người nhà, giảm chi phí thuê người.

Quen chạy xe ôm truyền thống nên hằng ngày, ông Nguyễn Văn Bình (phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) hay đứng tại các điểm dừng, chờ xe buýt dọc đường Phan Bội Châu để tìm khách. Gần trưa, ông Bình mới chở được một cuốc xe với số tiền 40.000 đồng.

Ông Bình chia sẻ, khách bây giờ ít đi xe ôm truyền thống nên số tiền ông kiếm được khá ít. Có ngày, ông chỉ kiếm được 100.000 đồng, ngày nào “trúng mánh” được khoảng 300.000 đồng chưa trừ tiền xăng. “Giá xăng tăng mạnh nên người lái xe ôm càng khó bắt được khách. Có người hiểu chuyện đồng ý thêm 5.000 - 10.000 đồng, nhưng cũng có khách kì kèo. Kiếm tiền thì khó trong khi giá cả hàng hóa tăng mạnh, như ổ bánh mì bình dân tôi hay ăn sáng có giá 10.000 đồng nay tăng lên 13.000 đồng, loại đặc biệt thì đắt hơn.

Tôi chỉ biết "bóp miệng" lại mới đủ tiền thuê trọ, tiền sinh hoạt cho gia đình”, ông Bình bộc bạch. Ông Bình cũng chủ động tìm các quán ăn, quán cà phê xin làm giao hàng quanh phố để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống trong thời “bão giá”.

Bà Thanh chật vật mưu sinh bằng nghề nhặt ve chai.

Tương tự, công việc bán vé số của bà Phạm Thị Bảy (phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) cũng bấp bênh kể từ khi có dịch COVID-19. Trước đây, bà Bảy thường bán được 200 tờ vé số/ngày cũng đủ ăn và dành dụm dưỡng già. Tuy nhiên, khi dịch bệnh bùng phát, việc bán vé số bị đứt đoạn nên bà Bảy làm mướn đủ nghề: Lau nhà, làm rẫy… Dù tằn tiện, chắt bóp từng đồng, song cuộc sống của bà khá chật vật với cảnh “gạo chợ nước sông”. Nay thêm “bão” tăng giá, bà Bảy càng siết chặt việc chi tiêu hằng ngày như tự nấu đồ ăn sáng, mỗi ngày chỉ được tiêu không quá 50.000 đồng, nếu tiêu thêm sẽ tự cân đối các ngày tiếp theo...

Việc tăng giá nhiều mặt hàng trong thời gian qua tác động lên mọi mặt của đời sống và mọi đối tượng trong xã hội. Trong đó, những lao động tự do, công việc bấp bênh đang phải thuê nhà, thuê trọ sinh sống... là những đối tượng bị tác động nhiều nhất. Đôi vai của những người này lại thêm trĩu nặng khi là trụ cột kinh tế gia đình. Giữa “bão giá”, họ phải chắt bóp, “khéo co thì ấm” để tồn tại.

Cẩm Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.