Multimedia Đọc Báo in

Dòng chảy văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ: Đôi điều suy nghĩ dưới tác động của tôn giáo

08:35, 18/02/2022

Các dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ trên địa bàn tỉnh có truyền thống văn hóa độc đáo, trở thành sức mạnh để gắn kết cộng đồng. Dòng chảy văn hóa của đồng bào ít nhiều có sự tác động của tôn giáo.

Khi tôn giáo góp phần phát huy các giá trị văn hóa

Thực tiễn cho thấy hoạt động của các tôn giáo đã góp phần làm thay đổi nếp sống, tâm lý, phong tục tập quán của đồng bào DTTS tại chỗ.

Về mặt tích cực, thông qua hoạt động tôn giáo đã góp phần bảo tồn tiếng nói, chữ viết, trang phục, âm nhạc, ẩm thực truyền thống và tác động đến việc xây dựng gia đình văn hóa, tham gia các hoạt động xã hội từ thiện. Trong sinh hoạt tôn giáo, đồng bào DTTS tại chỗ được khuyến khích đọc kinh và hát các bài thánh ca bằng tiếng DTTS, mặc trang phục truyền thống.

Nhiều cơ sở tôn giáo đã góp phần bảo tồn, phát triển giá trị âm nhạc truyền thống Tây Nguyên như: Nhà lưu trú Têrêsa (TP. Buôn Ma Thuột) dạy diễn tấu nhạc cụ dân tộc Tây Nguyên cho thanh thiếu niên để tham gia biểu diễn trong các dịp lễ hội; chùa Hoa Lâm (TP. Buôn Ma Thuột) đã chủ trì Cuộc vận động sáng tác ca khúc Phật giáo khu vực Tây Nguyên năm 2019 – 2020. Nhiều nghệ sĩ, diễn viên người DTTS tại chỗ thường xuyên biểu diễn âm nhạc mang âm hưởng Tây Nguyên, nhạc thánh bằng nhạc cụ dân tộc trên mạng xã hội...

Nhiều tín đồ người dân tộc thiểu số tại chỗ mặc trang phục truyền thống khi đến tham gia sinh hoạt tại Điểm nhóm Tin lành buôn Pu (xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắc).

Được sự chấp thuận, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, nhà nguyện của Điểm nhóm Tin lành buôn Pu (xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắc) được xây dựng khang trang từ năm 2019, trở thành điểm sinh hoạt tôn giáo của hơn 800 tín đồ người Êđê trên địa bàn xã.

 

“Cần sớm xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của DTTS; trao đổi với các tổ chức tôn giáo về những điểm hạn chế ảnh hưởng đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống khi tham gia sinh hoạt tôn giáo và đưa vào quy định cụ thể của luật để triển khai thực hiện”.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Đặng Gia Duẩn

Đều đặn vào ngày chủ nhật hằng tuần, các tín đồ đến sinh hoạt, cầu nguyện. Nhiều người rất vui vì đây là dịp diện trang phục truyền thống, giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ, được nghe mục sư lồng ghép, phổ biến tình hình của địa phương, các chủ trương, quy định mới, động viên người dân phát triển kinh tế, răn dạy thanh thiếu niên chăm học, chăm làm, không vi phạm quy định an toàn giao thông.

Để đạo - đời hòa hợp

Bên cạnh những mặt tích cực, các tôn giáo du nhập và phát triển mạnh trong đồng bào DTTS cũng làm biến đổi các mối quan hệ và thiết chế xã hội truyền thống. Một bộ phận đồng bào DTTS nhẹ dạ, cả tin đã nghe theo sự xúi giục của các thế lực phản động rời bỏ buôn làng hoặc “quay lưng” với văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Mâu thuẫn do sự khác biệt niềm tin giữa những người theo và không theo đạo, giữa cộng đồng người Mông theo đạo Tin lành di cư từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào Đắk Lắk với các cộng đồng cư dân tại chỗ cũng gây ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo.

Nhằm hạn chế những biến tướng của tôn giáo đến các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS tại chỗ, việc định hướng chính sách về tôn giáo đóng vai trò quan trọng. PGS.TS. Buôn Krông Thị Tuyết Nhung, Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Tây Nguyên (Trường Đại học Tây Nguyên) cho rằng, cần đánh giá lại việc thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo trong thực tế nhằm xây dựng chính sách phù hợp, hiệu quả; thu hút sự tham gia của cộng đồng tôn giáo trong xây dựng, phản biện chính sách, xây dựng chính quyền, phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, có cơ chế mở thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho thanh niên dân tộc – tôn giáo.

Hoạt động của Tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn M'Oa (xã Cư Huê, huyện Ea Kar) góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số tại chỗ.

Bày tỏ đồng thuận với quan điểm trên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Gia Duẩn khẳng định, cần nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng DTTS tại chỗ về giá trị văn hóa truyền thống; giải quyết kịp thời các vấn đề tôn giáo phát sinh. Đồng thời, tổng kết, đánh giá việc thi hành Luật Di sản văn hóa để điều chỉnh một số nội dung, chính sách cho phù hợp; phân cấp và quy định trách nhiệm của các cấp trong tổ chức và quản lý các hoạt động văn hóa truyền thống; phát huy vai trò của nhà văn hóa cộng đồng; quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ, nghệ sĩ, nghệ nhân người DTTS tại chỗ; xây dựng lực lượng cốt cán ở cơ sở là tín đồ các tôn giáo.

Yến Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.