Multimedia Đọc Báo in

Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XX: “Hãy sống và hy vọng”

07:12, 16/02/2022

“Ngày Thơ Việt Nam” lần thứ XX với chủ đề “Hãy sống và hy vọng” tại Đắk Lắk đã diễn ra với nhiều hoạt động đa dạng, ý nghĩa; đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn học nghệ thuật của công chúng; đồng thời khẳng định thơ ca Việt Nam vẫn tiếp tục dòng chảy của mình, càng nhiều thách thức, thơ ca càng cất tiếng và lan tỏa mạnh mẽ.

Theo thông lệ, vào ngày rằm tháng Giêng hằng năm, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức “Ngày Thơ Việt Nam” tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) và hoạt động này được diễn ra trên tất cả các tỉnh, thành phố. Năm nay, vì tình hình dịch bệnh nên chương trình đã không tổ chức trực tiếp tại đây. Dựa trên tình hình thực tế của tỉnh nhà, Hội Văn học nghệ thuật Đắk Lắk đã phối hợp với các đơn vị tổ chức “Ngày Thơ Việt Nam” lần thứ XX, với chủ đề “Hãy sống và hy vọng”.

Khán giả thưởng lãm các tác phẩm nghệ thuật trưng bày tại chương trình.

Chương trình có nhiều hoạt động đa dạng, hấp dẫn như thi vịnh thơ, ký họa chân dung, trình diễn tranh khắc gỗ và vẽ thư pháp, triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật, trưng bày sách và tạp chí văn học nghệ thuật…; vừa tôn vinh lao động sáng tạo nghệ thuật, khởi đầu một năm mới đầy hy vọng, vừa mang đến những trải nghiệm thú vị cho công chúng. Trong đó, hoạt động ngâm thơ, đọc thơ… nhận được sự quan tâm và thu hút hơn cả. Hai bài thơ "Nam quốc sơn hà" (Sông núi nước Nam) của Lý Thường Kiệt và "Nguyên tiêu" (Rằm tháng Giêng) của Hồ Chí Minh được hai nghệ sĩ Đăng Mạnh và Hồng Hiên trình bày đã mở đầu cho Ngày Thơ 2022 tại Đắk Lắk. Qua phần giới thiệu tập thơ “Khúc hát H’Hen Niê” của nhà thơ Lê Thành Văn và “Về Ban Mê đi anh” của nhà thơ Nguyễn Duy Xuân và qua giọng ngâm thơ của các nghệ sĩ, khán giả hiểu thêm về sự ra đời các tác phẩm, những khó khăn, những niềm hy vọng mà các nhà thơ đã gửi gắm thông qua những vần thơ… Bạn H’Niắp Niê (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ rằng cảm thấy vô cùng thú vị khi được tham dự chương trình, không chỉ được nghe các nghệ sĩ ngâm thơ mà còn biết đến nhiều tập thơ hay, thêm hiểu và trân trọng sự lao động sáng tạo nghệ thuật của các văn nghệ sĩ.

Một trong những điểm đặc sắc của Ngày Thơ năm nay đó là sự góp mặt yếu tố đặc trưng của văn hóa Tây Nguyên thông qua các tiết mục: diễn tấu ky pah, ching knah, hòa tấu sáo vỗ…. Ấn tượng nhất là tiết mục Klei Khan trích sử thi Êđê “M’brong dam” do hai nghệ nhân trẻ của buôn Ako Dhông (TP. Buôn Ma Thuột) thể hiện, mang đậm sắc màu dân gian, tôn vinh một hình thức thơ dân gian của người Êđê. Theo NSƯT Vũ Lân thì Klei Khan (Klei nghĩa là lời, bài; khan nghĩa là hát, kể) đã khai thác lời nói vần rất độc đáo trong thể thơ của người Tây Nguyên. Cũng vì lẽ đó mà tiết mục này được sự đón nhận nồng nhiệt của những người tham dự…

Tiết mục Klei Khan trích sử thi Êđê “M’brong dam” tại chương trình.

Có thể nói, “Ngày Thơ Việt Nam” tại Đắk Lắk năm nay đã có một sự hòa quyện và tiếp nối giữa truyền thống và hiện đại, giữa tinh hoa dân tộc và nét đặc sắc của văn hóa truyền thống các dân tộc Tây Nguyên. Bà Niê Thanh Mai, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đắk Lắk cho hay, Ban tổ chức đã dụng công lên kế hoạch, với mong muốn mang đến một ngày hội dành cho người yêu thơ ca thật sự. Và trong chương trình, yếu tố, tính chất đặc trưng văn hóa Tây Nguyên cũng được thể hiện thông qua nhiều tiết mục.

Hiện nay, sự đa dạng các hình thức giải trí đã khiến cho thơ ca nói riêng và một số loại hình văn hóa, nghệ thuật nói chung đứng trước nhiều thách thức. Thế nhưng, ngày thơ vừa diễn ra chứng tỏ thơ ca vẫn có sức sống và chỗ đứng riêng của mình. Đặc biệt, với hình thức tổ chức “Ngày Thơ Việt Nam” lần thứ XX tại Đắk Lắk có những điểm mới, khai thác, tôn vinh thơ và người làm thơ, văn nghệ sĩ… đã lan tỏa, khơi nguồn cho những sáng tạo mới và thắp lên ngọn lửa yêu thơ cho mọi người.

Họa sĩ Trần Thanh Long (bìa trái), nghệ sĩ nhiếp ảnh Bảo Hưng (bìa phải) tặng hai tác phẩm nghệ thuật cho Ban điều hành chương trình “Dĩa cơm trên tường BMT” để bán đấu giá, gây quỹ từ thiện.

Một điều xúc động là tại “Ngày Thơ Việt Nam” lần thứ XX, họa sĩ Trần Thanh Long, nghệ sĩ nhiếp ảnh Bảo Hưng (Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Đắk Lắk) đã tặng cho Ban điều hành chương trình “Dĩa cơm trên tường BMT” hai tác phẩm nghệ thuật để bán đấu giá, gây quỹ giúp đỡ những bệnh nhân nghèo đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.