Multimedia Đọc Báo in

6 tháng đầu năm, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP khoảng 10,41%

15:28, 08/08/2022

Sáng 8/8, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tổ chức phiên họp lần thứ ba trực tuyến với các bộ, ngành và địa phương nhằm sơ kết công tác chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2022. Phiên họp do Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số Phạm Minh Chính chủ trì.

Tham dự phiên họp còn có Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số Vũ Đức Đam.

Tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng và Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Trương Hoài Anh đồng chủ trì.

Theo báo cáo tại phiên họp, năm 2022 có chủ đề “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”. Theo đó, các hoạt động hưởng ứng tập trung vào các sáng kiến mang lại lợi ích thiết thực cho người dân; thúc đẩy, quảng bá toàn dân sử dụng sản phẩm, dịch vụ số Việt Nam; thúc đẩy phổ cập kỹ năng số, giúp người dân được thụ hưởng kết quả chuyển đổi số. Kênh truyền thông "Chuyển đổi số quốc gia" trên Zalo cập nhật hàng ngày thông tin mới nhất về chuyển đổi số phục vụ cán bộ, công chức, viên chức, tổ công nghệ số cộng đồng (chính sách, pháp luật, bài toán, sáng kiến, cách làm) đã thu hút được khoảng 20.000 người theo dõi.

Đại biểu tham dự phiên họp tại điểm cầu Đắk Lắk
Đại biểu tham dự phiên họp tại điểm cầu Đắk Lắk.

Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 4 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn kết nối các hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ số. Đến nay, mạng đã kết nối đến 100% huyện; hơn 97% xã trên toàn quốc. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đẩy mạnh triển khai, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến và các tiện ích cho người dân và doanh nghiệp. Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP đến hết 6 tháng đầu năm ước tính là 10,41% (tỷ trọng này năm 2021 ước tính là 9,6%), mục tiêu đặt ra đến năm 2025 là 20%. Hoạt động của người dân trên môi trường số tăng trưởng cả về số lượng người sử dụng và thời lượng sử dụng, đặc biệt ở các nền tảng số do Việt Nam sở hữu và phát triển. Có 35/63 địa phương đã ban hành đề án, kế hoạch phát triển đô thị thông minh và bước đầu cung cấp các dịch vụ, tiện ích đô thị thông minh phục vụ người dân, doanh nghiệp…

Tại phiên họp, các đại biểu cũng đã trao đổi, chia sẻ những khó khăn, vướng mắctrong việc thực hiện chuyển đổi số như: Hệ thống đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin của các bộ, ngành, địa phương chưa được kiện toàn về cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ để đáp ứng vai trò dẫn dắt, tổ chức triển khai chuyển đổi số của ngành, lĩnh vực, địa phương; cán bộ, công chức, viên chức thiếu kiến thức, kỹ năng để thực hiện chuyển đổi số; việc thống kê, phân tích, giám sát dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng vốn ngân sách nhà nước hiện chưa có số liệu về kinh phí đầu tư từ ngân sách địa phương; thiếu cơ chế và công cụ theo dõi, giám sát, kiểm tra để bảo đảm việc triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương được đồng bộ, thông suốt, phù hợp với định hướng quốc gia và các cấp, bảo đảm đầu tư đúng mục tiêu, có hiệu quả…

a
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông - cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia tổng hợp các ý kiến, đề xuất trong phiên họp một cách cụ thể. Thời gian tới, đề nghị các đơn vị, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện cho phù hợp với điều kiện thực tế; lựa chọn và công bố các nền tảng số mà địa phương mình tập trung thúc đẩy trong năm 2022 để giải quyết các vấn đề của người dân trong phát triển kinh tế - xã hội; triển khai hoạt động Tổ công nghệ số cộng đồng hiệu quả để hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các nền tảng số; xây dựng, triển khai hệ thống phục vụ theo dõi, kiểm tra thực hiện chương trình, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm đầu tư tập trung, đúng mục tiêu, có hiệu quả; phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao, các ngành nghề chuyên về công nghệ thông tin, công nghệ số phục vụ phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số…

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.