Multimedia Đọc Báo in

Nối dài những chuyến đi

07:52, 21/06/2021

Nghề nghiệp tạo cơ hội cho tôi đi nhiều nơi, đến với nhiều miền quê thân thương của đất nước, mỗi chuyến đi dù ngắn hay dài ngày luôn để lại trong tôi những kỷ niệm khó phai.

Một trong những điều luôn được những người cầm bút mong ước là được một lần đặt chân đến biển đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc. Năm 2012, tôi may mắn được Ban Biên tập phân công đi công tác gần 1 tháng ở nhiều điểm đảo trên quần đảo Trường Sa. Với tôi cũng như bao đồng nghiệp có mặt trên con tàu HQ 571, chuyến đi ấy thật ý nghĩa, bởi lúc bấy giờ sau sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào thềm lục địa Việt Nam, hành trình đến với Trường Sa của cánh phóng viên chúng tôi không chỉ với mục đích tuyên truyền, phản ánh thực tế, nhiệm vụ của những cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ biển đảo mà còn là minh chứng khẳng định chủ quyền không thể phủ nhận, đã được thế giới công nhận đối với quần đảo Trường Sa.

Chuyển Tết ra Trường Sa.  Ảnh: Mai Thắng
Chuyển Tết ra Trường Sa. Ảnh: Mai Thắng

Chắc hẳn, trải nghiệm, cảm giác đầu tiên của mọi người khi lần đầu (thậm chí là lần duy nhất) được vinh dự đặt chân lên các điểm đảo của Trường Sa là sự xúc động, tự hào. Không xúc động, tự hào sao được khi mình đang hiện diện tại nơi đã trở thành một phần máu thịt gắn bó, không thể tách rời của Tổ quốc. Không xúc động, trào dâng niềm cảm phục sao được khi trực tiếp chứng kiến những chiến sĩ hải quân đã hy sinh hạnh phúc cá nhân, vượt mọi gian khổ, vững tay súng nơi đầu súng ngọn sóng để bảo vệ lãnh hải quê hương; những cô giáo tuổi mới đôi mươi đang tạm gác hạnh phúc riêng tư, hy sinh tuổi xuân, xung phong đến với Trường Sa xa xôi với bao khó khăn, thiếu thốn để gheo chữ “Ươm những chồi xanh” nơi hải đảo… Sau chuyến đi dài trở về với đất liền, dẫu đã khai thác nhiều khía cạnh, góc nhìn về Trường Sa, phản ánh qua những tác phẩm, song với tôi thì những kỷ niệm, ấn tượng, hình ảnh về Trường Sa đã in sâu vào tiềm thức, không thể phai mờ.

Ngoài Trường Sa, còn nhiều nơi tôi có dịp đặt chân đến như khu chứng tích Sơn Mỹ (Quảng Ngãi), Nghĩa trang Trường Sơn (Quảng Trị), di tích Nhà tù Phú Quốc... cũng để lại những ấn tượng, xúc cảm sâu sắc. Tôi luôn trân trọng, khắc ghi, lưu giữ những hình ảnh, kỷ niệm về những chuyến đi mà tôi gọi là “Hành trình tìm về cội nguồn" ấy. Có thể nào một người làm báo lại dửng dưng, vô cảm trước những hình ảnh chân thực về sự thảm khốc của chiến tranh đang được trưng bày nơi chứng tích, để rồi trăn trở suy nghĩ làm sao qua đó chuyển tải đến độc giả thông điệp về giá trị của hòa bình. Có thể nào không dành khoảng thời gian, lắng đọng tâm trí, lặng người trước hàng chục nghìn ngôi mộ của các Anh hùng liệt sĩ trải dài nơi Nghĩa trang Trường Sơn để phần nào cảm nhận, thấu hiểu những hy sinh mất mát quá lớn lao mà có lẽ chẳng bút viết nào có thể diễn đạt được, qua đó trân trọng ý nghĩa, giá trị của độc lập tự do mà thế hệ hôm nay may mắn được hưởng thụ...

Phóng viên Báo Đắk Lắk tác nghiệp tại Hội nghị gặp mặt cộng tác viên năm 2020
Phóng viên Báo Đắk Lắk tác nghiệp tại Hội nghị gặp mặt cộng tác viên năm 2020.

Bên cạnh những di tích lịch sử, tôi còn có dịp đến với những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp của đất nước, nhiều địa danh đã có tên trong bản đồ du lịch của thế giới, như: Vịnh Hạ Long, Bà Nà, chùa Bái Đính, “Đảo Ngọc” Phú Quốc… qua đó lưu lại những ký ức, hình ảnh không thể quên trong cuộc đời một người làm báo. Bởi đó không chỉ là dịp để tôi mở rộng tầm mắt, tích lũy, bổ sung thêm vốn kiến thức phục vụ công tác chuyên môn mà còn có những trải nghiệm quý giá, có cơ hội thể hiện và lan tỏa tình yêu, niềm tự hào về đất nước, quê hương.

Đăng Triều


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.