Multimedia Đọc Báo in

Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ em và cách phòng tránh

07:05, 02/07/2016

Nhiệt độ không khí giảm, độ ẩm tăng là nguyên nhân gây ra các bệnh truyền nhiễm ở trẻ em và người già, nhất là mắc các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính như viêm phế quản, viêm phổi...

Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ em là một nhóm bệnh chỉ sự tổn thương cấp tính của đường hô hấp như: Mũi, họng, thanh quản, khí quản, phế quản hoặc nhu mô phổi do vi khuẩn hoặc virut gây nên. Trẻ có thể mắc nhiều lần trong năm.

Những dấu hiệu thường gặp:

Ho: Đây là dấu hiệu chính của nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính. Trẻ có thể ho khan từng tiếng hoặc ho có đờm, nặng hơn có thể ho thành cơn dài khiến trẻ mệt mỏi, nôn trớ khi ho.

Sốt: Có thể sốt vừa (từ 3705 đến 380C) hoặc sốt cao. Ngoài ra có thể chảy nước mũi, hắt hơi, ngạt mũi, thở khò khè, thở nhanh…

Xử trí khi trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp:

Khi thấy trẻ có những dấu hiệu của nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Đặc biệt, nếu thấy trẻ có một trong số những dấu hiệu bệnh nặng thì nhất thiết phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị. Trong trường hợp sau khi trẻ được thăm khám, có chỉ định của y, bác sĩ cho trẻ về chăm sóc tại nhà thì các bà mẹ cần phải lưu ý những điều quan trọng sau:

- Tuân thủ chế độ uống thuốc mà bác sĩ đã hướng dẫn.

- Giữ ấm cho trẻ, làm thông thoáng mũi họng cho trẻ: Hút mũi, thấm mũi cho trẻ.

- Nuôi dưỡng trẻ tốt: Cho trẻ ăn những thức ăn bổ dưỡng, loãng và dễ tiêu, cho trẻ uống đủ nước và ăn thêm các loại quả chín như cam, đu đủ… Nếu trẻ còn bú, nên tích cực cho trẻ bú nhiều hơn để trẻ có sức đề kháng chống lại bệnh tật và hạn chế khả năng suy dinh dưỡng sau đợt bị bệnh.

- Theo dõi các dấu hiệu cần đưa trẻ đi khám lại: Trong quá trình chăm sóc nuôi dưỡng tại nhà nếu thấy trẻ có một trong những dấu hiệu như: khó thở, thở nhanh, bú kém, mệt mỏi hoặc có một trong những dấu hiệu bệnh nặng thì phải đưa trẻ tới cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Cách phòng bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính cho trẻ em:

Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và cần chăm sóc, bổ sung dinh dưỡng  đầy đủ đối với trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi. Người chăm sóc trẻ cần rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi chăm sóc và cho trẻ ăn.

Phải thường xuyên giữ ấm đường thở cho trẻ; Không cho trẻ ra ngoài môi trường lạnh, mặc đủ ấm cho trẻ khi thay đổi thời tiết hay khi phải đưa trẻ ra ngoài, đặc biệt là giữ ấm cổ, ngực và hai bàn chân. Bảo đảm cho trẻ được sống trong môi trường không khí trong lành: Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, hạn chế bụi bặm, các loại khói bếp, khói thuốc lá…

Tiêm phòng đầy đủ cho trẻ theo lịch tiêm chủng mở rộng dành cho trẻ em.

Chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ tốt để tạo cho trẻ có sức đề kháng tốt chống lại bệnh tật, đồng thời hạn chế được nguy cơ mắc bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính và các bệnh khác như còi xương, suy dinh dưỡng…                   

               Hồng Vân


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.