Multimedia Đọc Báo in

Cảnh báo nguy cơ ngộ độc nấm

07:33, 26/06/2016

Nấm là loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng nên được nhiều người lựa chọn làm thức ăn. Tuy nhiên, bên cạnh những loại nấm ăn được, còn có một số loài nấm độc mà nếu ăn phải sẽ gây ngộ độc, có thể tử vong nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời. Mùa mưa đến cũng là lúc nấm sinh sôi và phát triển, do đó nguy cơ ngộ độc nấm từ thói quen ăn nấm rừng của người dân càng cao.

Đầu tháng 6 vừa qua, anh Y Hung Niê (21 tuổi, trú tại buôn Kuốp, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana) và 6 anh em trong gia đình phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh vì ngộ độc nấm; trong đó, 2 người có biểu hiện suy thận cấp. Sau khi áp dụng các biện pháp cấp cứu, giải độc, các bệnh nhân này đã qua cơn nguy kịch và dần hồi phục sức khỏe. Trước đó, anh Y Hung Niê vào rừng hái nấm rồi cùng mấy anh chị em trong gia đình đem xào với mì tôm. Hơn 1 giờ sau khi ăn, cả 7 người ăn đều xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, đau bụng, nôn ói. Y Hung cho biết trước đây anh vẫn thường hái nấm trong rừng về ăn nhưng không ngờ lần này lại ăn phải nấm độc.

Bác sĩ Trịnh Hồng Nhựt đang khám cho bệnh nhân bị ngộ độc nấm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Bác sĩ Trịnh Hồng Nhựt đang khám cho bệnh nhân bị ngộ độc nấm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Bác sĩ Trịnh Hồng Nhựt, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết, mùa mưa là thời điểm khoa thường xuyên tiếp nhận cấp cứu những trường hợp bị ngộ độc nấm. Bệnh nhân chủ yếu là người dân sống ở những vùng gần rừng núi, thường có thói quen hái nấm mọc trong tự nhiên về ăn. Dấu hiệu của ngộ độc nấm là sau khi ăn khoảng 1 giờ, cơ thể người xuất hiện những triệu chứng như buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy đi kèm biểu hiện hoa mắt, chóng mặt. Nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời sẽ gây ra hậu quả nặng nề như tổn thương gan, thận, rối loạn đông máu, suy đa tạng và có thể dẫn đến tử vong.

Để phòng chống nguy cơ ngộ độc nấm, bác sĩ Trịnh Hồng Nhựt khuyến cáo người dân nên trang bị cho mình kiến thức nhận biết nấm độc. Những loại nấm độc thường có mũ đội lên trên và màu sắc sặc sỡ; thường có cuống và vòng cuống…, bên trong thân nấm thường có màu hồng nhạt; trong đêm có thể có phát sáng. Nếu không có kinh nghiệm phân biệt giữa nấm lành và nấm độc hoặc không biết rõ nguồn gốc của nấm thì tốt nhất không nên ăn loại thực phẩm này. Nếu sau khi ăn nấm, cơ thể xuất hiện những triệu chứng ngộ độc thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.

 Thu Huế - Đình Thi


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.