Multimedia Đọc Báo in

Cảnh báo tình trạng rắn độc cắn người

10:52, 04/05/2016
Theo thống kê của Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, từ đầu năm đến nay bệnh viện đã tiếp nhận 11 trường hợp bị rắn cắn. Cũng trong khoảng thời gian này, số người phải nhập viện cấp cứu vì bị rắn độc cắn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cao hơn nhiều, với số lượng khoảng 40 bệnh nhân. Hầu hết những bệnh nhân bị rắn độc cắn bởi hai họ là rắn lục và rắn hổ.

Nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã hơn 10 ngày nay, nhưng chị H’Lanh Bkrông (SN 1986) ở buôn Yông Hắt, xã Krông Nô (huyện Lắk) vẫn còn đang phải theo dõi vì vết thương bị rắn hổ mang cắn đang có dấu hiệu hoại tử. Trước đó, khi chị H’Lanh ra khu vườn sau nhà thì bất ngờ bị rắn cắn vào cổ chân. Sau khi được người thân sơ cứu, chị được chuyển tới Bệnh viện Đa khoa huyện Lắk. Nhận thấy đây là ca bị rắn cắn nguy hiểm nên bệnh nhân được chuyển lên bệnh viện tuyến trên để điều trị. Bác sĩ Huỳnh Thị Đoan Dung, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, rất may là người nhà bệnh nhân H’Lanh đã sơ cứu và chuyển viện kịp thời, nếu không sẽ rất nguy hiểm, bởi rắn hổ có độc tố rất mạnh. Còn đối với anh Y Kao Bkrông (SN 1964) ở xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột thì lại không xác định được loại rắn nào cắn mình. Anh Y Kao cho biết, sáng ngày 12-4, khi vừa leo xuống giếng định vét đất lấy nước tưới cà phê thì bị rắn cắn vào ngón chân. Ngay lập tức anh thực hiện sơ cứu và đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để điều trị.

Bác sĩ của Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh thăm khám một bệnh nhi  bị rắn lục đuôi đỏ cắn.
Bác sĩ của Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh thăm khám một bệnh nhi bị rắn lục đuôi đỏ cắn.

Đến thời điểm này, chị H’Manh Byă ở buôn Kram, xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) vẫn chưa hết bàng hoàng khi chứng kiến cậu con trai của mình là Y Hưa Byă (SN 2011) bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào sáng ngày 11-4. Chị cho biết, buổi sáng hôm đó, khi vừa đặt con trai lên xe để chở đi học thì bất ngờ nghe cậu bé khóc thét lên. Hốt hoảng nhìn lại thì chị thấy một con rắn lục đuôi đỏ nằm trên xe. Gia đình tức tốc đưa cháu đến bệnh viện huyện, rồi sau đó chuyển lên Bệnh viện Y học cổ truyền điều trị. Theo bác sĩ Đỗ Thị Tuyết Nhung, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, chỉ sau vài phút tại vết cắn sẽ bị sưng nề, đau nhức nhiều kèm theo chảy máu. Sau khoảng 6 giờ, phần tổn thương sưng nề lan rộng từ vết cắn có thể đến gốc chi dẫn đến toàn chi sưng to, đau nhức, tím, xuất huyết dưới da, xuất huyết trong cơ; có thể có bọng nước, xuất huyết trong bọng nước. Nọc độc của rắn lục đuôi đỏ không tác động lên hệ thần kinh mà thường tác động gây rối loạn hệ tuần hoàn, có thể gây hoại tử da thịt. Nếu không biết cách sơ cứu, cấp cứu kịp thời sẽ gây rối loạn đông máu dẫn đến tử vong. Các bệnh nhân bị rắn cắn khi đến Bệnh viện Y học cổ truyền sẽ được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế kết hợp với phương pháp y học cổ truyền của bệnh viện.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, để hạn chế tối đa chất độc do rắn cắn lan nhanh trong cơ thể, trước khi chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế thì việc sơ cứu đúng cách là rất quan trọng. Theo đó, nạn nhân bị rắn cắn không nên lo lắng, hoảng sợ; người bị rắn cắn cần được rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước sạch rồi băng ép cố định để hạn chế nọc độc chạy vào hệ thần kinh trung ương; hạn chế tối đa cử động phần cơ thể bị rắn cắn (vì sẽ làm cho chất độc lan nhanh trong cơ thể), nếu bị cắn ở chân thì không được đi lại hoặc chạy. Cố định chân, tay bị rắn cắn bằng nẹp và đặt nơi bị rắn cắn thấp hơn so với tim để làm chậm sự xuất hiện triệu chứng liệt. Sau đó, khẩn trương đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất, tốt nhất là vẫn còn trong “thời điểm vàng” (6 giờ đối với rắn lục, 12 đến 24 giờ đối với rắn hổ). Bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần xử lý và theo dõi tại bệnh viện như trường hợp rắn độc cắn, ít nhất trong 12 giờ đầu. Các bác sĩ cũng khuyến cáo, nạn nhân không được rạch nặn vết cắn gây chảy máu, garo quá chặt vì sẽ tăng nguy cơ nhiễm trùng, gây hoại tử nhiều hơn; tuyệt đối không được dùng các phương pháp như: gây điện giật, chườm đá lạnh, sử dụng “hòn đá chữa rắn cắn” hoặc các bài thuốc dân gian khác mà chưa qua kiểm nghiệm để điều trị rắn cắn. Để phòng ngừa rắn độc cắn cần phát quang bờ cây bụi rậm quanh nhà, không nên trồng giàn hoa, dây leo ở trước sân nhà, không nằm ngủ trực tiếp trên nền đất; nên đội mũ rộng vành, mặc quần áo dài, đi giày cao cổ, dùng gậy khua đuổi rắn… mỗi khi vào rừng, rẫy hoặc nơi nghi có rắn độc.

Hà Duy

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.