Multimedia Đọc Báo in

Để an toàn sức khỏe khi làm móng tay, chân

06:51, 27/09/2015
Làm đẹp móng tay, móng chân (nail) là một dịch vụ ngày càng trở nên phổ biến, giúp phụ nữ trở nên đẹp và tự tin hơn. Cách đây vài năm, hầu hết dịch vụ làm móng đều do các tiệm cắt tóc, gội đầu “kiêm nhiệm” thêm. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều tiệm chuyên về làm móng đã xuất hiện với nhân viên tay nghề phục vụ cao, dịch vụ cũng đa dạng hơn. Không chỉ làm sạch và sơn màu cho móng tay, móng chân, nhiều người còn đính thêm phụ kiện khác vào móng như hoa, bông, dây xích, gắn đá…

Tuy nhiên, dù là vào tiệm làm móng sang trọng hay bình dân thì bạn vẫn cần lưu ý tới vấn đề vệ sinh và bảo vệ cho bộ móng tay, chân của mình không bị hóa chất làm hư hại. Điều dễ thấy tại nhiều tiệm làm móng tay, chân là dù hằng ngày có hàng chục lượt khách đến làm móng song tiệm lại không có bất kỳ một biện pháp nào để bảo đảm vệ sinh sạch sẽ cho khách hàng. Theo quan sát tại các tiệm, hầu hết khách hàng đều được dùng chung kìm làm móng, khi nhân viên lỡ làm chảy máu quanh móng tay, chân của khách thì thường được lấy ít bông thấm một cái là xong và được an ủi một câu “không sao cả, ở đây em làm cho nhiều người có sao đâu ạ”. Điều đó cho thấy nguy cơ nhiễm bệnh từ dịch vụ làm móng tay, chân nguy hiểm như thế nào.

Vì vậy, để an toàn khi đến tiệm làm móng tay, chân, bạn hãy mang theo dụng cụ làm móng riêng của mình: Kìm, lưỡi dao, kéo, dao cạo, bàn xát, mài cục chai, cắt da thừa… Bởi sử dụng chung các dụng cụ này ở tiệm, bất kể lúc nào bạn cũng phải đối mặt với nguy cơ những vật dụng này cắt vào da bạn và ngay lập tức đưa vi khuẩn vào cơ thể. Bạn có thể bị nhiễm trùng, bị lây bệnh nấm móng, mụn cóc… hay đặc biệt nguy hiểm là HIV/AIDS. Nhiều tiệm làm móng khử trùng dụng cụ làm móng sau mỗi lần sử dụng chưa đúng cách: một số cách vệ sinh được các cửa hàng sử dụng là dùng nhiều kìm cắt khác nhau và luân phiên sử dụng để mỗi kìm cắt đều được “nghỉ ngơi” một, hai tiếng trước khi sử dụng cho người tiếp theo, luôn sẵn sàng thuốc kháng sinh để rắc ngay vào vết thương nếu lỡ cắt chảy máu tay khách hàng... An toàn nhất vẫn là bạn nên tự mang theo dụng cụ riêng của mình. Càng nhiều dụng cụ làm móng bạn tự đem tới, khả năng bị lây nhiễm bệnh càng thấp.

Không ngâm chân, tay quá lâu trong nước: Sau khi ngâm tay, chân lâu trong nước, bạn cảm thấy móng trắng ra. Tuy nhiên, đây là lúc móng bị ngấm nước, rất giòn và dễ gãy. Một lát sau đó móng sẽ nhanh chóng bị teo lại, rất xấu và yếu. Nếu có thể, đừng thực hiện những thao tác cắt da. Hoặc nếu không, bạn cũng nên hạn chế nó. Việc cắt da viền quanh móng giúp móng tay trông có vẻ đẹp hơn nhưng bạn nên biết những biểu bì tự nhiên này giúp bảo vệ móng của bạn khỏi vi khuẩn.

Bạn không nên chịu đựng sự đau đớn: Dù là cảm giác đau, tức, châm chích, nhức, ngứa… thì bạn cũng không nên chịu đựng nó trong quá trình làm móng. Tất cả những thao tác gây đau đớn đều có tác hại đối với bàn tay, chân của bạn. Hãy nói với nhân viên làm móng để họ điều chỉnh ngay thao tác này.

 Khi móng tay, chân có bất kỳ dấu hiệu  bệnh lý nào, nơi bạn cần đến ngay không phải là các tiệm làm móng, hay bôi những loại thuốc không rõ nguồn gốc do các chủ tiệm giới thiệu mà hãy đến ngay các khoa da liễu ở bệnh viện để được khám và chữa trị kịp thời.

Nguyệt Ánh

(Trung tâm TT GDSK)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực ngăn chặn “tín dụng đen” xâm nhập học đường
Mặc dù các lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk liên tục có các biện pháp trấn áp, truy quét, nhưng các ổ nhóm "tín dụng đen" vẫn có dấu hiệu hoạt động trái pháp luật. Hiện nay, học sinh là nạn nhân mà các đối tượng này hướng đến.